Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí sinh nên chọn trường, ngành theo năng lực của mình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Mùa thi tuyển sinh ĐH, CĐ đang đến… Các sĩ tử phân vân, lo lắng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Có em quyết tâm bằng mọi giá phải vào cho được trường mình yêu thích. Có em lại chọn ngành mình thích, sau đó mới chọn trường; hướng nghiệp, hướng nghề trước, hướng trường sau… Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với Th.S Trần Đình Lý – Trưởng phòng Công tác sinh viên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp Trường ĐH Nông lâm, về vấn đề chọn ngành chọn trường của các TS.
PV: Thầy đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc chọn ngành, chọn nghề của các thí sinh trước kỳ thi ĐH, CĐ?
Th.S Trần Đình Lý: Việc chọn ngành, chọn nghề của TS là rất quan trọng. Nếu chọn không đúng sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. Việc chọn ngành, nghề của TS phải từ rất sớm chứ không phải ngay trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ… Nếu việc chọn lựa này xuất phát từ sở thích, nguyện vọng của mình thì thường sẽ bền vững hơn.
Sau nhiều năm tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh, tư vấn mùa thi, tư vấn hướng nghiệp… của các báo, các trường THPT, các sở GD-ĐT… có rất nhiều HS đã đề nghị việc tư vấn hướng nghiệp nên tiến hành sớm, các trường nên có bộ phận hướng nghiệp, các sở/trường THPT nên sớm cập nhật thông tin từ các trường ĐH, CĐ, THCN… để HS nắm bắt kịp thời. Các bộ ban ngành phải có định hướng về cung cầu lao động (vĩ mô) để tránh việc thừa – thiếu, thiếu – thừa…
Việc chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng như thế nào đến việc học hành và công việc của các thí sinh sau này?
– Hướng nghiệp là vấn đề lớn và đi trước một bước. Là những người làm trong ngành giáo dục và đào tạo, tôi nghĩ “Hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy 2 mà là 1”. Thi vào ngành nghề nào? Trường nào? Ở đâu? Có thể nói là có nhiều tiêu thức lựa chọn. Theo tôi, xuất phát điểm của TS khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ, THCN… phải là sở thích/sở trường/năng khiếu. Đó mới là điều quan trọng và cốt lõi! Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này? Nếu xác định được điều quan trọng này sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời hơn là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Thi trường nào/ngành nào dễ đậu?”. Đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, chân đứng đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó? Vậy làm sao để có được sự phát huy hết năng lực, sở trường để cống hiến đóng góp cho xã hội, cho đất nước?
Hiện nay có một phần lớn TS luôn chọn những nghề thật “hot”, nhưng không biết năng lực mình tới đâu, vậy thầy có lời khuyên như thế cho các bạn?
– Nghề “hot”? Có khi “hot” với người này nhưng lại là… không “hot” với người khác! Trèo cao ngã đau là chuyện bình thường và không khuyến khích các em đi theo con đường này. Sau khi chọn ngành, nghề mình thích, nên lựa sức mình để vào những trường top vừa phải (nhiều tiêu chí để tham khảo: điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý…)
Hiện nay các TS thường chọn nghề theo: sở thích; chọn theo ý thích gia đình; chọn các nghề “hot”; một phần là phân vân không biết chọn nghề nào… Thầy có thể cho một vài lời khuyên cho TS? Theo thầy thì chọn theo cách nào là thích hợp nhất?
– Tiêu chí nào cũng có cơ sở cả. Khi đã có cơ sở để lựa chọn rồi thì thường là các em hài lòng về quyết định của mình. Tuy nhiên, sự hài lòng này dài hạn hay ngắn hạn, có bền vững hay không là do chính… bản thân các em. Theo tôi, chọn theo sở thích, sở trường, nguyện vọng của chính các em mới là bền vững! Nhưng cũng không nên quá bảo thủ, cực đoan mà hãy nghe những lời khuyên vì có khi các em không đủ thông tin. Các em nên trắc nghiệm sở thích sở trường nguyện vọng của mình có… bị ngộ nhận hay không? Tôi thấy lý thuyết Holland (6 nhóm sở thích ứng với nghề nghiệp, kèm theo) về chọn nghề cũng là một nguồn tham khảo để trắc nghiệm khá tốt.
Cám ơn thầy
Nguyên Hải (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)