Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thí sinh ở thế chủ động

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Tam Phú tìm hiểu thông tin ngành nghề tại các gian hàng tư vấn
Khác với các kỳ thi trước đây, kỳ thi THPT quốc gia 2015 thí sinh được chủ động trong việc lựa chọn môn thi, số lượng môn và lựa chọn trường, ngành học phù hợp với mức điểm của mình…
Đó là những thông tin được các chuyên gia tư vấn tuyển sinh đưa ra trong chương trình “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại nhiều trường THPT ở khu vực ngoại thành TP.HCM.  
Không nên lo lắng về chuyện chọn trường
Tại Trường THPT Bình Chánh, em Phạm Quốc Toàn (lớp 12A1) chia sẻ: “Em học khá môn hóa và sinh nhưng chưa biết nên định hướng vào ngành nào. Ba mẹ thì muốn em vào ngành y – dược nhưng bản thân em thấy năng lực chưa đủ để thi vào Trường ĐH Y dược hay ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Em rất mong Ban tư vấn cho lời khuyên”. ThS. Trà Thanh Trung (ĐHQG TP.HCM) phân tích: “Những suy nghĩ, đánh giá của em về năng lực học tập của mình là rất chân thực và cần thiết. Với hai môn hóa và sinh, em có thể tham gia xét tuyển nhiều ngành có khối thi hoặc tổ hợp môn có liên quan. Không chỉ có hai trường đào tạo ngành y – dược trên, em có thể xét tuyển ở những trường lấy điểm thấp hơn như Khoa Y của ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Tân Tạo hay ngành điều dưỡng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… Ngoài ra, em có thể đi theo một số lĩnh vực chuyên sâu của ngành công nghệ sinh học, ngành kỹ thuật xét nghiệm y học – đây là những chuyên ngành có sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân”.
ThS. Nguyễn Trọng Thể (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết thêm: “Em không nên quá lo lắng về vấn đề chọn trường vì ở kỳ thi THPT quốc gia 2015, thí sinh hoàn toàn được chủ động lựa chọn ngành, trường học phù hợp với mức điểm của mình. Khác với các mùa tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây là phải đăng ký trường trước, thi và biết kết quả sau thì kỳ thi THPT quốc gia 2015, thí sinh sau khi biết kết quả mới lựa chọn ngành và trường học. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng cho phép thí sinh trong thời gian 20 ngày kể từ ngày công bố đợt tuyển sinh được phép rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Do đó, các em hoàn toàn ở thế chủ động trong “thế trận” này”.
Không phải trường nào cũng xét 4 đợt
Tại Trường THPT Tam Phú, nhiều học sinh nữ lại đặt những câu hỏi liên quan đến khối ngành kỹ thuật – ngành học vốn được coi là “kén” nữ vì quá khô khan và vất vả. Em Vũ Quỳnh Trâm Anh (lớp 12A8) băn khoăn: “Là nữ nhưng em rất muốn theo học khối kỹ thuật. Nếu theo học khối này, em có được ưu tiên gì không?”. Trả lời câu hỏi này, ThS. Nguyễn Anh Đức (đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) khẳng định: “Quan niệm con gái không nên theo khối ngành kỹ thuật là hết sức sai lầm. Ngày nay, phụ nữ còn có thể bay vào vũ trụ để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các lĩnh vực hạt nhân, chế tạo máy móc nên em cứ tự tin chọn ngành theo sở thích của mình. Sự thiếu hụt lao động nữ ở khối ngành kỹ thuật cũng là vấn đề được các công ty, tập đoàn quan tâm hiện nay. Riêng ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sinh viên nữ trúng tuyển nhập học các ngành CN kỹ thuật ô tô, CN chế tạo máy, CN kỹ thuật cơ khí, CN kỹ thuật cơ điện tử, CN kỹ thuật nhiệt điện lạnh, kỹ thuật xây dựng sẽ được cấp học bổng 50% học phí toàn khóa học”.
Bên cạnh đó, học sinh của Trường THPT Tam Phú cũng quan tâm đến các đợt xét tuyển. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD-ĐT) lưu ý các em rằng: Không phải trường ĐH, CĐ nào cũng xét 4 đợt. Kinh nghiệm tuyển sinh từ các năm trước cho thấy, nhiều trường ĐH, CĐ chỉ cần xét đợt 1, đợt 2 là đủ chỉ tiêu. Số trường xét đợt 3 và 4 không nhiều, vì vậy chỉ tiêu dành cho các đợt tiếp theo sẽ ít dần. Trong một trường, điểm nguyện vọng sau sẽ lớn hơn hoặc bằng điểm xét tuyển ở nguyện vọng trước. Năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào kết quả thi của thí sinh để công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Đây là một trong những tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào nên các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để xây dựng điểm xét tuyển”.
Bài, ảnh: Linh Vy
HỎI – ĐÁP
Tại sao kỳ thi THPT quốc gia 2015 không xếp loại tốt nghiệp thí sinh? Em nghe nói Trường ĐH  Y dược TP.HCM có chính sách cộng điểm cho những thí sinh xếp tốt nghiệp loại giỏi. Vậy việc ngưng xếp loại tốt nghiệp có ảnh hưởng tới quyền lợi thí sinh không? (Phan Thu Thảo, lớp 12A4 Trường THPT Tam Phú)
– TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) trả lời: Việc ngưng xếp loại tốt nghiệp THPT đã được áp dụng từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vì lý do các môn thi của thí sinh đăng ký không giống nhau. Ngoài lý do này, số lượng các môn thi của từng thí sinh đăng ký trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 cũng không giống nhau. Vì vậy, việc không xét xếp loại tốt nghiệp là để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho tất cả thí sinh.
Trong khi đó, ThS. Nguyễn Quang Vinh(đại diện Trường ĐH Y dược TP.HCM) cũng khẳng định: Trường ĐH Y dược TP.HCM không có chính sách cộng điểm cho thí sinh dựa trên tiêu chí tốt nghiệp. Trường chỉ cộng điểm cho những thí sinh là học sinh giỏi quốc gia theo mức điểm: Giải nhất cộng 2 điểm, giải nhì cộng 1,5 điểm, giải ba cộng 1 điểm.
Em muốn biết chương trình đào tạo sư phạm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM như thế nào? (Lê Hoàng Lê, lớp 12A7 Trường THPT Bình Chánh)
– ThS. Nguyễn Anh Đức (đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) trả lời: Năm 2015, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển gần 400 chỉ tiêu sư phạm bậc ĐH với 13 chương trình. Ngoài chương trình sư phạm Anh thí sinh phải đăng ký ngay từ đầu, trường còn 12 chương trình sư phạm kỹ thuật, thí sinh chỉ được đăng ký học sau khi trúng tuyển và nhập học một tháng. Các ngành có chương trình sư phạm kỹ thuật là: Cơ khí chế tạo máy, kỹ thuật công nghiệp, cơ điện tử, ô tô, nhiệt điện lạnh, điện tử – truyền thông, điện – điện tử, xây dựng, công nghệ thông tin, may, thực phẩm, môi trường.
Chương trình sư phạm kỹ thuật có thời gian học dài hơn (4,5 năm) so với chương trình kỹ sư (4 năm). Tuy nhiên sinh viên sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Thời gian đầu, sinh viên theo chương trình sư phạm kỹ thuật học gần giống chương trình kỹ sư nhưng 2 học kỳ cuối sẽ học thêm các môn liên quan đến sư phạm như tâm lý, phương pháp giảng dạy, đánh giá, công nghệ dạy học, tổ chức quá trình đào tạo… Ngoài ra, sinh viên còn phải rèn luyện tay nghề để có chứng chỉ năng lực thực hành nghề quốc gia (từ khóa 2015), đi thực tập sư phạm và làm đề tài tốt nghiệp liên quan đến việc dạy học kỹ thuật như chế tạo mô hình học cụ liên quan đến ngành học của mình, thiết kế mô phỏng bài giảng… Khi tốt nghiệp, sinh viên có bằng kỹ sư, chứng chỉ sư phạm kỹ thuật (hoặc sư phạm nghề) và chứng chỉ năng lực thực hành nghề (dự kiến cho khóa 2015).
Ngọc Anh (ghi)
 
 

Bình luận (0)