- 1 Thí sinh TP.HCM đánh giá cao đề ngữ văn: Thời sự, vừa sức, khơi gợi tư duy
Sáng 26-6, gần 100.000 thí sinh tại TP.HCM đã hoàn thành bài thi môn ngữ văn – môn đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Sau 120 phút làm bài, nhiều em bày tỏ sự hài lòng với cấu trúc đề thi, cho rằng đề vừa sức, có tính thực tiễn và tạo điều kiện để thể hiện quan điểm cá nhân.

Nguyễn Hoàng Trung – thí sinh tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10) – nhận xét: “Đề bám sát thực tế, phần nghị luận xã hội chạm đến những vấn đề nóng trong đời sống. Em có thể đưa nhiều dẫn chứng cụ thể vào bài, cảm thấy khá tự tin về kết quả”.
Cùng quan điểm, Lê Bảo Phúc cho rằng đề thi năm nay đã “mở” hơn so với trước, không còn ràng buộc vào các khuôn mẫu phân tích văn học truyền thống. “Cách ra đề theo hướng mới cho phép tụi em bộc lộ khả năng cảm thụ xã hội, hiểu biết thực tiễn. Em thấy đề hợp lý và phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục”, Phúc chia sẻ.
Trong khi đó, thí sinh Nam Thiên đánh giá đề thi có sự phân hóa tốt giữa các phần, phần đọc hiểu và nghị luận văn học vừa sức, còn phần nghị luận xã hội mang tính thử thách cao hơn. “Em hoàn thành bài vừa kịp 120 phút, làm đủ bốn trang giấy. Em tự tin khoảng 80% bài làm của mình ổn”, Thiên cho biết và nhận định cách ra đề tránh được tình trạng học tủ, phát huy tư duy cá nhân.
Tại điểm thi Trường THPT Gia Định, thí sinh Mai Nguyên Anh tỏ ra phấn khởi sau khi hoàn tất môn thi đầu tiên: “Đề năm nay hay, không đánh đố, tạo điều kiện để học sinh thể hiện suy nghĩ riêng. Em vui vì cảm thấy mình có thể làm được”.
Không chỉ học sinh, các giáo viên cũng đánh giá đề ngữ văn năm nay có nhiều điểm tích cực. Thầy Võ Minh Nghĩa – giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) – nhận định đề thi bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp học sinh có tâm thế vững vàng. Đặc biệt, ngữ liệu trong phần đọc hiểu – trích đoạn “Những vùng trời khác nhau” của Nguyễn Minh Châu – được đánh giá cao về cả nội dung và khả năng tiếp cận.

“Ngữ liệu dễ đọc, hàm chứa chiều sâu văn học, không mang tính địa phương nên phù hợp với học sinh toàn quốc. Việc lựa chọn này cho thấy sự chỉn chu, có cân nhắc về mức độ phổ quát và giá trị nhân văn”, thầy Nghĩa đánh giá.
Theo thầy, mức điểm trên trung bình sẽ không dễ đạt nếu học sinh không có sự chuẩn bị nghiêm túc. “Đề có độ phân hóa rõ. Học sinh khá giỏi có thể đạt từ 6.5 đến 7.5 điểm, nhưng để trên 7.5 cần kỹ năng lập luận tốt và nền tảng kiến thức vững”.
Từ góc nhìn sư phạm, thầy Nguyễn Thanh Sơn – giáo viên ngữ văn tại huyện Bình Chánh – cho rằng đề thi năm nay phản ánh đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới, không chỉ đánh giá kiến thức mà còn chú trọng tư duy và cảm xúc. “Đề văn năm nay vừa có tính thời sự, vừa khơi gợi chiều sâu suy nghĩ và tình cảm của học trò. Câu nghị luận xã hội đặc biệt có nhiều đất để các em thể hiện quan điểm cá nhân”, thầy Sơn nhận xét.
Phân tích kỹ hơn về cấu trúc, thầy Sơn cho biết đề giữ trình tự quen thuộc: từ phần đọc hiểu, nghị luận xã hội cho đến nghị luận văn học, với mức độ tăng dần. “Tuy nhiên, để đạt điểm cao, thí sinh không chỉ cần nhận diện đúng vấn đề mà còn phải có tư duy phản biện sắc bén và lập luận mạch lạc”, ông nhấn mạnh.
Thủy Phạm
Bình luận (0)