Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thí sinh TP.HCM khen đề thi ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024 khi đánh giá đề thi vừa sức, quen thuộc, không đánh đố.

Tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi môn ngữ văn với tâm trạng phấn khởi, tự tin cho biết đã hoàn thành tốt bài thi.

Sỹ Long – học sinh Trường THCS Colette đánh giá, đề ngữ văn khá vừa sức, quen thuộc, đều đã được giáo viên hướng dẫn. So với đề các năm trước, đề năm nay có vẻ “dễ thở” hơn.

“Em rất ấn tượng với vấn đề nghị luận nêu ra trong câu nghị luận xã hội khi đặt vấn đề “biết suy nghĩ bằng trái tim”. Đây là vấn đề mới mẻ song lại rất gần gũi, cần thiết đối với lứa tuổi học sinh. Vì hiện nay, sự vô cảm vẫn đang là vấn đề đang được nhiều người nhắc đến khi nói về nhiều bạn trẻ. Do đó, vấn đề này được ra trong đề thi là rất cần thiết, giúp mỗi bạn trẻ phải nhìn lại, suy nghĩ lại, phải biết “suy nghĩ bằng trái tim” với mọi người, mọi vấn đề” – Sỹ Long chia sẻ.

Tương tự, thi sinh Nguyễn Ngọc Kim Ngân – Trường THCS Vân Đồn (quận 4) chia sẻ, đề thi khá quen thuộc, gần gũi và không hề đánh đố học sinh.

Nghị luận xã hội với vấn đề đặt ra rất dễ hiểu, gần gũi, đọc là hiểu liền, do đó học sinh có ý để viết. Vấn đề nghị luận lại rất quen thuộc, cho phép chúng em có thể thể hiện được suy nghĩ, nhìn nhận của bản thân về vấn đề.

Đối với nghị luận văn học, dù tác phẩm “Chiếc lược ngà” khá quen thuộc, không xa lạ song cũng vẫn khiến học sinh bất ngờ nếu học tủ, học vẹt.

“Nếu phân tích về tác phẩm Chiếc lược ngà thì thông thường tụi em hay hiểu là phân tích vấn đề tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu. Trong khi đó, đề lại yêu cầu cảm nhận của em về tình cảm của bé Thu dành cho ông Sáu. Do vậy, để làm được thì bản thân em phải chọn lọc lại dẫn chứng để có tể viết được. Vì thế, dù là tác phẩm quen thuộc, chúng em đã được học nhiều nhưng nếu học tủ, học vẹt thì cũng khó có thể làm tốt phần này…”.

“Đề thi rất phù hợp, gần gũi với lứa tuối học sinh hiện nay. Vấn đề vô cảm đang được đặt ra nhiều đối với giới trẻ, do đó, khi đề thi đề cập đến vấn đề này giúp chúng em thể hiện được góc nhìn của bản thân đối với cuộc sống, với những người xung quanh…” – Kim Ngân bày tỏ.

Trước đó, thông tin về đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết: Năm nay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006, Sở GD-ĐT TP.HCM vẫn giữ sự ổn định, không có gì xáo trộn để đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh.

Đề thi tuyển sinh ở cả 3 môn thi văn, toán, ngoại ngữ đều có cấu trúc, mức độ kiến thức tương tự như năm 2023. Trong mỗi môn thi, đề thi bao gồm khoảng 70% kiến thức ở mức thông hiểu, nhận biết; 30% còn lại ở mức độ vận dụng, vận dụng cao nhằm phân hóa học sinh.

Định hướng dạy và học gắn với phát triển phẩm chất, năng lực học sinh sẽ tiếp tục được thể hiện trong đề thi tuyển sinh. Với từng môn thi, đề thi sẽ không dừng ở việc kiểm tra kiến thức môn học thuần túy mà kiến thức sẽ được gắn với các vấn đề thực tế cuộc sống, qua đó kiểm tra tư duy, năng lực vận dụng kiến thức của học sinh để giải quyết vấn đề thực tế đặt ra trong đề thi. Đòi hỏi học sinh trong quá trình học phải thực hành, không thể học tủ, học vẹt, học theo kiểu ghi nhớ máy móc.

Yến Hoa 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)