Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thí sinh trúng tuyển ĐH đợt 1 năm nay tăng gần 8%

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Số thí sinh trúng tuyển ĐH đợt 1 năm 2023 tăng 7,9% so với năm 2022; trong đó, số thí sinh trúng tuyển ở NV1 là 49,1%.


PSG.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) phát biểu tại hội nghị

PSG.TS. Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho biết thông tin này tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 26-8 tại TP.HCM.

Trung bình 1 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển 2,76 nguyện vọng

Theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, số thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay có giảm nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH lại tăng 4,56% so với năm 2022.

Trong đó, có tổng số 49,1% thí sinh trúng tuyển ở NV1. Số thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống năm 2023 tăng 7,9% so với năm 2022. Đáng nói, chỉ hơn 32% thí sinh trúng tuyển sớm vào các trường ĐH chọn đăng ký NV1. Số thí sinh trúng tuyển thẳng xác nhận nhập học ngay đạt 30,4%.

Cũng theo thống kê của Vụ trưởng, thí sinh trúng tuyển ở 3 nguyện vọng đầu tiên đạt 74,9%; thí sinh trúng tuyển ở 5 nguyện vọng đầu tiên đạt 85,1%. Trung bình 1 thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng.

Bà Thủy đánh giá, năm 2023, nhiều trường ĐH xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo. Vẫn còn có trường dùng quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp; nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống.

“Các cơ sở giáo dục ĐH hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024; lưu ý, hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh” – Vụ trưởng nhấn mạnh.


Thí sinh trúng tuyển năm nay làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Công Thương TP.HCM ngày 25-8

Năm 2023, cả nước có trên 3 triệu lượt nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH. Việc đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo ngành, không theo tổ hợp và phương thức xét tuyển, không bị giới hạn số lần. Việc đăng ký xét tuyển thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh không phải nộp minh chứng về lịch sử thường trú để được cộng điểm ưu tiên theo khu vực.  

Vụ trưởng lưu ý, thí sinh đang trong giai đoạn xác nhận nhập học trực tuyến, cần được nhắc nhở, đôn đốc, thực hiện đúng thời gian theo quy định.

Nguồn lực cho giáo dục ĐH còn hạn chế

Về công tác đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy nhận định, nhiệm vụ năm học về đào tạo được hoàn thành tốt. Cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thuận lợi trong thực hiện tự chủ về tuyển sinh, đào tạo. Chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, các cơ sở đào tạo nhận thức rõ vai trò của chất lượng đào tạo trong phát triển bền vững…

Tuy nhiên, theo bà Thủy, một số cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ, như chưa có hội đồng trường/chưa kiện toàn thành phần theo quy định hoặc chưa đạt chuẩn kiểm định… nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo.

Bên cạnh đó, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm. Vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các khối ngành. Một số khối ngành tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh. Truyền thông tư vấn hướng nghiệp đến thí sinh một số nơi chưa hiệu quả, một số lĩnh vực có nhu cầu nhưng thiếu người học.

Đánh giá chung, Vụ trưởng cho rằng, năm học qua, tự chủ ĐH được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả tích cực trong toàn hệ thống. Công tác tuyển sinh đạt được kết quả nổi bật. Đội ngũ giáo viên gia tăng về số lượng và chất lượng. Số cơ sở đào tạo được công nhận kiểm định tăng mạnh, nhất là kiểm định quốc tế.

Một số tồn tại, hạn chế nói chung, theo bà Thủy, nằm ở chỗ hệ thống pháp luật chưa đồng bộ ở một số nội dung liên quan giữa Luật Giáo dục ĐH với các văn bản luật khác (Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Sử dụng tài sản công…) dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho các trường ĐH trong quá trình thực hiện đẩy mạnh tự chủ.

“Nguồn lực dành cho giáo dục ĐH còn rất hạn chế. Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục ĐH chỉ trên dưới 17.000 tỷ; chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỷ. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,78% GDP; thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường ĐH của Việt Nam hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu”.

Từ đề xuất, kiến nghị của các cơ sở đào tạo, Vụ trưởng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và tài trợ cho giáo dục ĐH, xã hội hóa giáo dục ĐH, bao gồm cả thực hiện cơ chế hợp tác công tư; nhất là chính sách ưu đãi thuế, sử dụng đất. Đồng thời, tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập trong sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước cho đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.

Mê Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)