Những thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ đợt 1 phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2019 bản chính theo quy định, nếu không làm thao tác này, thí sinh coi như từ chối cơ hội nhập học.
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại một trường ĐH sau khi trúng tuyển phương thức xét học bạ phổ thông
Ngày 8-8, quá trình lọc ảo và xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia 2019 kết thúc, các trường ĐH, CĐ công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển.
Xác nhận nhập học tới ngày 15-8
Hiện nay các trường ĐH hướng dẫn rất kỹ khâu nhập học đối với thí sinh trúng tuyển đợt 1. Cụ thể tại Trường ĐH Sài Gòn, theo quy định, ngày 9-8 sẽ công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển tại website: Tuyensinh.sgu.edu.vn. Từ ngày 10 đến trước 17 giờ ngày 15-8, thí sinh trúng tuyển nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2019 bản chính về trường qua một trong 2 hình thức: bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường. Thí sinh khi đến trường nộp hồ sơ có thể được tư vấn hướng dẫn thông tin về phòng trọ, một số thông tin khác về trường, quá trình học… và được phát giấy báo trúng tuyển. Ngày 10-8, trường sẽ đăng tải lịch làm thủ tục nhập học, các hồ sơ cần thiết phải có để làm thủ tục nhập học. Từ ngày 26 đến 30-8, các thí sinh phải có mặt tại trường để làm thủ tục nhập học, gồm: chụp hình thẻ sinh viên, khám sức khỏe, ghi sơ yếu lí lịch… Tân sinh viên chính thức đi học từ ngày 3-9.
Thí sinh trúng tuyển đợt 1 này nhưng không xác nhận nhập học hoặc những thí sinh chưa trúng tuyển có thể xét đợt tiếp theo. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường ĐH lưu ý, phần lớn chỉ tiêu đã được các trường xét ở nguyện vọng 1, do vậy thí sinh trúng tuyển nếu đã phù hợp ngành/trường nên nhập học. Cuộc đua để giành suất vé ở những đợt xét sau khá eo hẹp về chỉ tiêu, ngành/nghề để chọn lựa.
Không được rút phiếu điểm đã nộp
“Thí sinh trúng tuyển nên nhanh chóng nộp hồ sơ xác nhận nhập học và làm thủ tục nhập học. Phần lớn các trường ĐH ưu tiên cho nguyện vọng 1 nên chỉ tiêu nguyện vọng tiếp theo sẽ không còn nhiều. Đặc biệt các ngành hấp dẫn có rất ít chỉ tiêu, thậm chí không có cho nguyện vọng 2 nên nếu thí sinh không xác nhận nhập học sẽ còn rất ít cơ hội”, ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) lưu ý. |
ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing) lưu ý, hằng năm thí sinh nhập học thường hay kê khai hồ sơ sai, nhầm phiếu điểm (giấy chứng nhận kết quả thi) là giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Do vậy, các thí sinh trúng tuyển khi nhập học cần chú ý điểm này, nhất là những em ở tỉnh xa đến trường xác nhận nhập học mà để xảy ra nhầm lẫn như trên có khả năng không kịp thời hạn xác nhận nhập học, cả những trường hợp thí sinh nộp quá cận ngày chốt hạn xác nhận nhập học. “Đặc biệt, khi thí sinh xác nhận nhập học rồi các trường sẽ không giải quyết việc rút lại giấy chứng nhận kết quả thi nên các em trúng tuyển cần cân nhắc kỹ trước khi xác nhận nhập học”, ThS. Kim Phụng nói.
Ngoài ra, khi thí sinh trúng tuyển nhưng còn chần chừ không nộp phiếu điểm xác nhận nhập học do còn “mơ tưởng” đến nguyện vọng khác dẫn đến hết hạn xác nhận nhập học, cũng coi như mất cơ hội.
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cũng khuyến cáo thí sinh sau khi trúng tuyển cần nắm rõ thời hạn xác nhận nhập học để thực hiện việc xác nhận này đúng thời gian quy định. Nếu quá thời hạn 17 giờ ngày 15-8 mà các em chưa thực hiện khâu này thì xem như từ chối cơ hội nhập học và phải tham gia xét đợt bổ sung.
“Có 2 hình thức để xác nhận nhập học là thí sinh trực tiếp đến trường ĐH để nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia hoặc gửi qua đường bưu điện. Nếu gần hoặc thuận tiện, các em nên đến nộp trực tiếp tại trường để tránh một số trường hợp đáng tiếc như bị thất lạc giấy tờ hoặc nộp thiếu hồ sơ, dẫn đến lo lắng”, ThS. Xuân Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ThS. Xuân Dung còn cho rằng sau khi nộp phiếu điểm xác nhận, thí sinh có thể làm thủ tục nhập học ngay hoặc có thể chờ gia đình chuẩn bị đủ các loại giấy tờ, học phí rồi tiến hành nhập học.
Thục Trân
Bình luận (0)