Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thí sinh tự do cần biết về thi tốt nghiệp THPT 2009

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đã giải đáp một số vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 dành cho thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên và trách nhiệm của giám thị cũng như thí sinh trong kỳ thi.
Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh tự do năm trước không thi tốt nghiệp THPT theo ban, năm nay phải lựa chọn ban phù hợp với mình để đăng ký dự thi. Thí sinh thiếu tuổi và thí sinh quá tuổi vẫn được thi tốt nghiệp của giáo dục THPT.
Những thí sinh đã dự kỳ thi các năm trước nhưng chưa được tốt nghiệp, hiện nay bị mất bản chính học bạ THPT nhưng có nguyện vọng được dự thi năm 2009 phải có xác nhận lại bản sao học bạ trên cơ sở đối chiếu với hồ sơ lưu của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc căn cứ vào hồ sơ thi của kỳ thi năm dự thi liền kề trước kỳ thi năm 2009.
Thí sinh tự do của giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên. Thí sinh tự do đang đi công tác xa được đăng ký dự thi trên địa bàn nơi công tác, nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú và nơi học lớp 12.
Về việc bảo lưu kết quả đối với các thí sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên, quy chế quy định: Thí sinh dự thi đủ các môn quy định nhưng chưa tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả thi trong cả kỳ thi lần 1, lần 2, thì được bảo lưu điểm của các môn thi đạt từ 5,0 điểm trở lên cho các kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó nếu có quy định thi các môn đó. Nếu thí sinh đã dự thi tất cả các môn quy định của năm tổ chức thi tại kỳ thi lần 1 hoặc kỳ thi lần 2 thì được coi là dự thi đủ các môn quy định.
Thí sinh tự do (cả giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên) có giấy chứng nhận nghề phổ thông được cấp trong thời gian học cấp THPT đều được cộng điểm khuyến khích để công nhận tốt nghiệp theo quy định.
Những trường hợp ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh không khớp với giấy CMND và các loại giấy chứng nhận, bằng tốt nghiệp THCS… thì phải lấy giấy khai sinh làm căn cứ.
Những trường hợp chưa được cấp hoặc mất giấy CMND phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc cơ quan công an có thẩm quyền; nếu gia đình thí sinh không có sổ hộ khẩu riêng, có thể sử dụng giấy xác nhận của UBND cấp xã với đầy đủ thông tin như trong sổ hộ khẩu.
Thí sinh nên dùng bản chính hoặc bản sao bằng tốt nghiệp THCS; nếu dùng bản chứng thực thì bản chứng thực của các hồ sơ liên quan là bản photocopy được UBND cấp xã xác nhận; có đủ cơ sở pháp lý để sử dụng.
Như vậy, theo quy chế, các thí sinh có điểm bảo lưu theo quy định được dự thi một trong hai cách: thi tất cả các môn thi quy định trong kỳ thi; hoặc chỉ thi các môn thi không có điểm bảo lưu. Thí sinh dự thi một trong hai cách trên trong các kỳ thi tốt nghiệp năm 2008, không bỏ thi môn nào được hiểu là “thi đủ các môn theo quy định” của năm tổ chức thi; nếu không bị kỷ luật hủy kết quả thi thì được bảo lưu điểm thi của các môn đạt từ 5,0 điểm trở lên cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 (trừ những môn đã sử dụng kết quả bảo lưu của năm trước tại các kỳ thi tốt nghiệp năm 2008).
Trách nhiệm của giám thị và thí sinh trong phòng thi
Ông Nghĩa cho biết thêm, trong quá trình tập huấn coi thi, các sở cần lưu ý giám thị không được quên ký tên vào giấy thi của thí sinh để hạn chế sai sót. Khi bàn giao bài thi tại Hội đồng coi, cần phải kiểm tra các bài thi đã có đủ chữ ký của hai giám thị chưa. Khi chấm thi, những bài thi này vẫn được chấm bình thường để đảm bảo tiến độ, tuy nhiên Hội đồng chấm thi phải lập biên bản các bài không đủ chữ ký để báo cáo Bộ, đồng thời chuyển cho Sở tổ chức coi thi xử lý và kiểm điểm giám thị theo quy chế thi.
Khi phát đề thi trắc nghiệm, thí sinh phải để đề thi dưới phiếu trả lời trắc nghiệm. Nếu thí sinh mở đề ra xem, giám thị phải kịp thời nhắc nhở và yêu cầu thí sinh thực hiện đúng theo quy định. Nếu thí sinh vẫn cố tình xem đề thì lập biên bản để Hội đồng coi thi xử lý.
Tuy nhiên, sau khi đã phát đề thi cho cả phòng, giám thị cần yêu cầu thí sinh soát số trang và chất lượng in của đề, để kịp đổi nếu cần thiết (khi xảy ra các trường hợp đề thiếu trang, các trang không cùng mã đề, hoặc đề in bị mờ…).
Khi thi theo hình thức trắc nghiệm, tại Hội đồng coi thi luôn có túi đề thi trắc nghiệm dự phòng gồm nhiều mã đề khác nhau. Trường hợp đề thi mờ hoặc thiếu trang… thì giám thị lấy đề thi có cùng mã đề trong túi dự phòng; nếu không có đề thi cùng mã thì lấy đề thi có mã khác với mã đề thi của 2 thí sinh ngồi bên cạnh.
Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, thí sinh phải ngừng viết ngay. Khi nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi. Không nộp giấy nháp thay giấy thi.
Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp. Trong trường hợp đặc biệt, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị trong phòng thi và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi hoặc cán bộ của Hội đồng coi thi do chủ tịch Hội đồng coi thi phân công.
QUỐC DŨNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)