Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thí sinh tự do: Tự lo phần chưa được học

Tạp Chí Giáo Dục

Sẽ có độ vênh giữa chương trình THPT ở các năm học nên thí sinh tự do thi vào ĐH sẽ phải tự học phần chưa được học.

Thí sinh tự do cần quan tâm đến độ vênh kiến thức các môn. Trong ảnh: Học sinh luyện thi tại Trung tâm luyện thi và bồi dưỡng văn hóa Vĩnh Viễn – Ảnh: Như Hùng

Theo thống kê của Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD – Bộ GD-ĐT năm 2008, có trên 200.000 thí sinh thi trượt tốt nghiệp THPT, tính cả lần một và lần hai, trong đó hệ THPT có 58.377 thí sinh, hệ GDTX có 144.202.

Cùng với thí sinh thi trượt tốt nghiệp còn có hàng trăm ngàn thí sinh thi trượt vào các trường ĐH, CĐ đang băn khoăn về việc học bổ sung kiến thức mới thế nào để có cơ hội thi đậu năm 2009.

Phải tự bổ sung kiến thức

Năm 2009, những thí sinh học chương trình THPT phân ban thí điểm và không phân ban năm trước sẽ phải thi chung đề với thí sinh học chương trình THPT mới. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long: “Thí sinh tự do sẽ phải tự bổ sung kiến thức bám sát chương trình – SGK mới để đảm bảo kiến thức đi thi”.

Quan điểm ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 sẽ vẫn là “đề thi bám sát kiến thức trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12”. Và như vậy hướng ôn tập của thí sinh tự do sẽ phải tập trung vào việc tham khảo sách giáo khoa mới và tài liệu liên quan, bổ sung kiến thức mới bên cạnh việc ôn tập, hệ thống lại phần kiến thức đã học.

Ông Nguyễn Hải Châu, phó vụ trưởng Vụ GD trung học Bộ GD-ĐT, cho biết: “Chúng tôi chỉ ban hành tài liệu hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT trước khi công bố các môn thi tốt nghiệp. Nhưng tài liệu chủ yếu để thí sinh tự do ôn thi là sách giáo khoa bậc THPT, chủ yếu là sách giáo khoa lớp 12. Chúng tôi đã đề nghị các sở GD-ĐT có hướng dẫn cho các trường THPT tiếp nhận thí sinh tự do xin đăng ký tham dự các lớp ôn tập để củng cố và bổ sung kiến thức. Về cơ bản, nếu thí sinh tự do đã học chắc kiến thức cơ bản thì việc bổ sung những kiến thức mới không quá khó khăn, không cần thiết phải đi ôn thi tại các trung tâm luyện thi, nhất là vào thời điểm này”.

Độ vênh tùy từng môn học

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), cho biết môn toán giữa chương trình phân ban thí điểm, không phân ban (cũ) và chương trình mới không vênh nhau nhiều lắm. Có một số phần kiến thức của lớp 12 chương trình mới nằm trong chương trình lớp 11 cũ. Thí sinh tự do dù học chương trình cũ nhưng nếu nắm vững kiến thức cơ bản của bậc THPT thì không ngại.

GS Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhận xét: chênh lệch không nhiều. Nhưng cũng có những kiến thức mới. Ví dụ số phức, xác suất thống kê… Đó là những kiến thức thí sinh tự do phải học, tham khảo. Nếu chỉ để thi tốt nghiệp thì không đáng ngại về “độ vênh giữa chương trình cũ, mới”, vì kiến thức cơ bản giữa hai chương trình tương đối giống nhau.

Lời khuyên của các thầy cô giáo đối với thí sinh tự do là rà soát lại một lượt nội dung các môn học mới sẽ bắt buộc phải thi tốt nghiệp (văn, toán, ngoại ngữ) hoặc các môn nằm trong khối thi ĐH, CĐ, phân loại những phần kiến thức mới để đi ôn thi, hỏi thầy cô giáo, tự tham khảo sách, tài liệu. Sau đó hệ thống lại toàn bộ nội dung môn học.

Môn ngoại ngữ, cô giáo Nguyễn Thị Bích Liên, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội), cho biết có một số khác biệt giữa chương trình cũ và mới, nhưng chủ yếu là yêu cầu về phương pháp dạy học, các dạng bài tập, kiểm tra, đánh giá. Còn phần ngữ pháp, nội dung bài học mới hoàn toàn không nhiều. Theo cô Liên, HS học chương trình mới tiếp cận hình thức thi trắc nghiệm sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, thí sinh tự do cũng có một năm tập dượt qua kỳ thi nên không đáng ngại.

Ý kiến lo ngại về sự vênh kiến thức giữa chương trình cũ và mới tập trung nhiều ở môn văn. Cô giáo Lê Thanh, Trường Thái Phiên (Hải Phòng), cho biết có trên 40% kiến thức mới so với chương trình cũ. Có những bài trong phần giảng văn thuộc mảng kiến thức văn học VN nhiều giáo viên còn lúng túng khi soạn giảng vì nó quá mới, quá ít tài liệu tham khảo. Ví dụ tác phẩm Đàn ghita của Lorca (Thanh Thảo) hoặc Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Học kỳ I nhiều trường THPT đã phải tổ chức những hội thảo mời giáo viên giỏi về dạy thử các bài trong phần kiến thức mới và cùng thảo luận. Với giáo viên còn thế, học sinh tự ôn tập sẽ không dễ dàng.

Thầy giáo Đặng Đình Đại, hiệu trưởng Trường Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), cho rằng: “Không riêng thí sinh tự do, kể cả HS lớp 12 năm nay chúng tôi cũng phải quan tâm hơn đến việc hướng dẫn ôn tập”. Thầy Đại thừa nhận: trong số các môn học của chương trình mới, môn văn bổ sung nhiều kiến thức mới nhất.

Đặc biệt chương trình mới có phần nghị luận xã hội, HS học chương trình cũ không được học, giới thiệu. Mặc dù với thể loại này thí sinh có vốn sống tốt, trình bày văn bản trong sáng, mạch lạc thì có thể đạt yêu cầu, nhưng sẽ có những thí sinh sẽ gặp khó khăn. Trong cấu trúc đề thi do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT công bố có phần nghị luận xã hội. Vì vậy thí sinh tự do phải lưu ý việc này.

TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)

Bình luận (0)