Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Thí sinh Việt Nam đạt điểm SAT I cao kỷ lục

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thông tin từ tổ chức College Board, thí sinh Trần Đăng Huy (1994) vừa đạt số điểm gần tuyệt đối 2390/2400 trong kì thi SAT I được tổ chức vào ngày 28/1 vừa qua, đây là kỉ lục đầu tiên về điểm thi SAT I tại Việt Nam.
Ngoài ra, theo thống kê của tổ chức này cho biết, trong 1.000.000 thí sinh dự thi SAT mỗi năm trên toàn thế giới, chỉ duy nhất 20 người có thể đạt điểm gần tuyệt đối.
Cánh cửa bước vào ĐH danh giá của thế giới
Với số điểm 2390/2400, không chỉ thiết lập kỉ lục điểm SAT I cao nhất Việt Nam, bạn Trần Đăng Huy đã có thêm lợi thế góp phần hoàn thiện hơn bộ hồ sơ ứng tuyển của mình vào các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới.
Huy từng học THCS tại Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) và thi đậu cả hai ban chuyên Toán và chuyên Anh vào Trường chuyên Phổ thông năng khiếu TP.HCM. Năm 2010, Huy giành được học bổng du học Singapore A*STAR do Chính phủ Singapore cấp.

Không chỉ yêu thích học ngoại ngữ mà Đăng Huy còn đam mê Toán học. Bản “trích ngang” thành tích của cậu bạn 17 tuổi khiến nhiều người ngưỡng mộ khi Đăng Huy từng hai lần giành huy chương vàng toán học trong kỳ thi có uy tín “Singapore Mathematical Olympiad”, do Chính phủ Singapore tổ chức hằng năm dành cho tất cả học sinh sinh viên (quốc tế và trong nước) đang theo học trung học phổ thông và dự bị đại học tại Singapore.
Cuối năm 2011, Huy và nhóm bạn A*STAR trở về Việt Nam luyện thi SAT tại Học viện Yola (TP.HCM), kết quả nhóm bạn cùng luyện thi SAT với Đăng Huy đều đạt số điểm SAT I trung bình trên 2.000 điểm tại kỳ thi ngày 28/1/2012.
Kết quả điểm SAT tương đối cao này chính là bước đệm hoàn hảo giúp cả nhóm có thể hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp bản thân trong tương lai, trở thành sinh viên của các trường đại học danh giá nhất thế giới.
SAT- Thước đo “sát hạch” du học quốc tế
Trong hệ thống văn bằng du học quốc tế, SAT (Scholastic Aptitude Test) được biết đến như là bài thi bắt buộc nhằm đánh giá khả năng của học sinh trung học và kiểm tra đầu vào của các trường đại học, do tổ chức giáo dục phi lợi nhuận College Board của Hoa Kỳ tổ chức và quản lý.
Hầu hết các trường đại học ở Mỹ và một số trường đại học ở Canada, Thụy Điển, Singapore… sử dụng SAT như một “thước đo” sát hạch “đầu vào” nhằm kiểm tra khả năng suy luận, kĩ năng phân tích và sự nhạy bén trong xử lý tình huống của học sinh.
Hiện tại, nếu mong muốn đi du học tại các trường đại học nằm trong TOP 100 của Mỹ thì du học sinh được yêu cầu nộp điểm bài thi SAT. Để vào một trường tốt, điểm SAT tối thiểu phải đạt 1900 điểm trở lên, ngoài ra điểm SAT cao (từ 2000 trở lên) còn là một lợi thế để đề nghị cấp học bổng tại các trường thuộc Ivies (nhóm đại học hàng đầu tại Mỹ) như Harvard, Princeton, Yale, Pennsylvania, Cornell, Columbia và các trường danh tiếng khác như Stanford, MIT,…
Có hai kỳ thi SAT, đó là SAT Reasoning (SAT I) và Subject Tests (SAT II). SAT I là kỳ thi trắc nghiệm khả năng suy luận ngôn ngữ và toán học, còn SAT II dùng để đánh giá kiến thức của thí sinh trong một môn học cụ thể.
Một bài thi SAT I sẽ có thời gian làm bài tối đa 3 giờ 45 phút, chia làm 10 phần, trung bình một phần khoảng 30 câu hỏi, phần viết cuối cùng khoảng 10 phút (14 câu hỏi).
Ngoài yêu cầu bắt buộc là thí sinh phải có vốn từ vựng Tiếng Anh “khủng”, sự thử thách của một bài thi SAT còn nằm ở chỗ thí sinh phải có khả năng diễn đạt, lý giải vấn đề, tư duy của thí sinh phần lớn dựa trên sự hiểu biết của bản thân.
Theo đánh giá của tổ chức College Board, một bài thi SAT sẽ có tính phân loại thí sinh cao vì phạm vi câu hỏi của SAT khá rộng, trải dài từ văn học, xã hội học cho tới các môn tự nhiên nên thường gây nhiều khó khăn cho cả học sinh bản địa lẫn du học sinh quốc tế.
Phần Toán thường có ba loại câu hỏi Toán học: câu hỏi với năm khả năng lựa chọn, so sánh định lượng với bốn khả năng lựa chọn và câu hỏi mà thí sinh phải tự đưa ra câu trả lời. Với các thí sinh Việt Nam, các câu hỏi hóc búa thường rơi phần nhiều vào phần lịch sử Hoa Kì, ngoài ra rào cản ngôn ngữ cũng khiến nhiều thí sinh chưa thể trình bày quan điểm một cách xuất sắc trong bài luận tiếng Anh.
Theo Vietnamnet


 

Bình luận (0)