Không đặt nặng việc đoạt giải thưởng, các thí sinh tham gia thi tay nghề là để khẳng định năng lực, kỹ năng của bản thân để “lấy điểm” thuyết phục nhà tuyển dụng.
Thí sinh thi nghề điện lạnh tại kỳ thi tay nghề TP.HCM năm 2019
Tại kỳ thi tay nghề TP.HCM năm 2019, thí sinh Đỗ Thanh Hào (Trường CĐ Nghề TP.HCM) dự thi nghề thiết kế kỹ thuật cơ khí – CAD. Đây là một trong những nghề thuộc nhóm ngành kỹ thuật công nghệ đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực. Thanh Hào cho biết dù năng lực học khá, đủ điểm vào một trường ĐH tốp trên nhưng em chọn học trường nghề là vì có cơ hội tham gia các kỳ thi… tay nghề. “Đây là một sân chơi để học sinh, sinh viên tự khẳng định mình, cọ xát với thực tế và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia từng là những thí sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi tay nghề trong nước và quốc tế”, Thanh Hào nói. Tương tự, thí sinh Võ Đặng Gia Hân (Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn) dự thi nghề thiết kế đồ họa cũng không đặt nặng chuyện đoạt giải thưởng mà thi để tích lũy kinh nghiệm và chứng minh với gia đình rằng lựa chọn học nghề là đúng nguyện vọng, sở trường của em. Theo Gia Hân, kỳ thi tay nghề là một kỳ thi uy tín, tạo phong trào thi đua học tập và rèn luyện kỹ năng cho người học mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần. Trong khi đó, Trần Nguyễn Bá Phước (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – đoạt huy chương đồng nghề giải pháp phần mềm CNTT trong kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 44 năm 2017 tổ chức tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) cho rằng khi tham gia các kỳ thi tay nghề, việc đoạt giải thưởng cao hay thấp không quan trọng, mà quan trọng là người học có sự trải nghiệm rất bổ ích. Hoạt động tại các kỳ thi tay nghề giống như một doanh nghiệp có môi trường làm việc chuyên nghiệp mà thí sinh chính là người thợ, công nhân kỹ thuật thực thụ. “Điều mà thí sinh tích lũy được từ các kỳ thi tay nghề không chỉ là kinh nghiệm mà còn nhiều kỹ năng khác để có khả năng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Bá Phước chia sẻ.
Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 13 tại Singapore (diễn ra từ ngày 25 đến 30-7-2020), Việt Nam có 44 thí sinh dự thi 22 nghề. Đây là những thí sinh được tuyển chọn từ kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11 tổ chức vào tháng 3-2020. Theo đó, 22 nghề thi ASEAN gồm: Robot di động, kết nối vạn vật (IOT), cơ điện tử, điện tử, giải pháp công nghệ phần mềm CNTT, lắp cáp mạng thông tin, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD, thiết kế trang web, tự động hóa công nghiệp, lắp đặt điện, thiết kế các kiểu tóc, công nghệ thời trang, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ ô tô, nấu ăn, dịch vụ nhà hàng, điện lạnh, thiết kế đồ họa, quản trị hệ thống mạng CNTT, bảo trì máy CNC. Hai nghề thi trình diễn là hệ thống chuyển tiếp nhanh và điều khiển công nghiệp. Được biết, sau kỳ thi tay nghề quốc gia, thí sinh sẽ được tập trung huấn luyện bởi các chuyên gia nghề trong và ngoài nước. |
Ở góc độ chuyên gia, ông Tô Huỳnh Thiên Trường (chuyên gia nghề lắp cáp mạng thông tin) cho biết đề thi tay nghề cấp TP.HCM hay cấp quốc gia đều dựa trên đề của kỳ thi tay nghề khu vực và quốc tế. Theo đó, nội dung đề thi được cập nhật từ các tình huống thực tế tại doanh nghiệp, giải quyết được các tình huống này xem như các em đã là một người thợ lành nghề. Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Trường (Vụ trưởng Vụ Kỹ năng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định trong các kỳ thi tay nghề khu vực và quốc tế, thí sinh Việt Nam không thua kém thí sinh các nước về chuyên môn nhưng kỹ năng thì còn hạn chế, đặc biệt là ngoại ngữ. Qua các kỳ thi tay nghề, người học có động lực trau dồi ngoại ngữ, trang bị những kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Những nghề tranh tài tại các kỳ thi đều nằm trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ dịch chuyển trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây là cơ hội để người học có thể tích lũy kinh nghiệm khi tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết kỳ thi tay nghề TP.HCM năm 2019 có số thí sinh và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia tăng so với năm 2018, điều này cho thấy hệ thống giáo dục nghề nghiệp của thành phố có khởi sắc nhất định. Sau các kỳ thi tay nghề, hầu hết thí sinh được doanh nghiệp để ý và tuyển dụng sau đó.
Bài, ảnh: T.Anh
Hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản hướng dẫn chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn thực hiện dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong năm 2020. Theo đó, Dự án đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN (thuộc chương trình mục tiêu GDNN – việc làm và an toàn lao động) với mục tiêu hỗ trợ về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra; các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến khu vực ASEAN và thế giới. Kinh phí thực hiện dự án sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo để được đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao theo mục tiêu của đề án “Phát triển trường CĐ chất lượng cao đến năm 2025” của Chính phủ. Trong đó, ưu tiên một số trường tham gia đào tạo thí điểm trình độ CĐ cho các nghề trọng điểm quốc tế chuyển giao từ nước ngoài nhằm đảm bảo đủ điều kiện đào tạo theo chương trình. Cụ thể, các đơn vị được hỗ trợ gồm: 5 trường ĐH sư phạm kỹ thuật; trường chuyên biệt được lựa chọn ngành nghề trọng điểm để đào tạo cho một số nghề phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số, học nội trú, người khuyết tật; trường CĐ-TC được lựa chọn ngành nghề trọng điểm và được đề xuất hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo để đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao theo đề án “Phát triển trường CĐ chất lượng cao đến năm 2025”. Ngoài ra, kinh phí này còn hỗ trợ một số trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm để thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở GDNN và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Theo đó, mức hỗ trợ kiểm định chất lượng cơ sở GDNN là 170 triệu đồng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là 105 triệu đồng. Trong đó ưu tiên các trường thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, trường được đề xuất hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo để đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao đến năm 2025, trường tham gia đào tạo thí điểm trình độ CĐ cho các nghề chuyển giao từ nước ngoài. Ở nội dung thành phần “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) sẽ hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 990 ngàn lao động nông thôn, người khuyết tật, thợ thủ công, thợ lành nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Kinh phí sẽ hỗ trợ cho các hoạt động như: tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; phát triển chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDNN; hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo… Đặc biệt, ưu tiên các cơ sở tuyển sinh tốt, các cơ sở đang sáp nhập hoặc tái cơ cấu, các trung tâm chưa được hỗ trợ trong giai đoạn 2009-2015 hoặc đã hỗ trợ đủ mức trong giai đoạn này nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo. T.Tri |
Bình luận (0)