Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi theo cụm, chấm chéo: trách nhiệm thuộc Sở GD-ĐT

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa chính thức ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Những điểm gây nhiều tranh cãi trong dự thảo mà bộ ban hành trước đó như thi theo cụm, chấm chéo vẫn được giữ nguyên trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2009.

Đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12
Theo quy chế, đối với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh vật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: phần chung dành cho tất cả thí sinh (TS) ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng cho TS học theo từng chương trình: chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao.  TS học theo chương trình nào phải làm phần riêng của đề thi ứng với chương trình đó; nếu TS làm cả 2 phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.
Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi phải đạt yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết thực hành của người học, đảm bảo tính chính xác, tính khoa học, tính sư phạm, đảm bảo phân loại trình độ của người học.  Điểm của bài thi tự luận và trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10.
Trắc nghiệm: được chấm bài “nhà”
Về tổ chức thi theo cụm, các sở GD-ĐT có trách nhiệm sắp xếp các trường thành cụm trường để tổ chức thi. Mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT hoặc 3 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), hoặc thành lập cụm trường hỗn hợp gồm ít nhất 2 trường THPT và 2 trung tâm GDTX. Trường hợp đặc biệt, những trường ở vùng xa, vùng cao, vùng hải đảo, đi lại khó khăn, các sở GD – ĐT phải báo cáo Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định.
Các cụm trường lập danh sách TS dự thi theo thứ tự các ban Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Cơ bản, Giáo dục thường xuyên (nếu có), xếp theo thứ tự ưu tiên các môn ngoại ngữ (trừ Giáo dục thường xuyên): tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật, xếp theo thứ tự a, b, c… tên TS. Quy chế có những thay đổi trong quy định chức năng nhiệm vụ của giám thị hành lang so với quy chế cũ: Thực hiện các công việc cần thiết phục vụ nhiệm vụ coi thi do chủ tịch hội đồng coi thi phân công, không được vào khu vực hành lang phòng thi và xung quanh phòng thi khi TS đang làm bài, trừ trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của chủ tịch hội đồng coi thi.
Về chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, giám đốc sở GD-ĐT ra quyết định thành lập một hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT để chấm bài thi tự luận của TS dự thi tại tỉnh khác theo sự phân công của Bộ GD-ĐT. Riêng bài thi trắc nghiệm, Sở GD-ĐT được chấm bài thi trắc nghiệm TS của mình. Dữ liệu và bài thi môn thi tự luận sau khi hoàn tất việc chấm thi sẽ được bàn giao lại cho sở GD-ĐT có TS dự thi quản lý.
Quy chế thi năm 2009 quy định cụ thể hơn về quy trình chấm thi, trong đó điểm mới là có quy định về quy trình chấm thi trắc nghiệm.
Thi hộ: Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Quy định về đối tượng, điều kiện dự thi, công nhận tốt nghiệp… về cơ bản vẫn giữ nguyên như quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2008. Nhưng phần cộng điểm ưu tiên được quy định cụ thể hơn, áp dụng cho cả những đối tượng học tại trường THPT không nằm trong địa bàn quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương. Quy chế 2009 vẫn giữ nguyên quy định về bảo lưu điểm trong trong việc công nhận tốt nghiệp với thí sinh hệ GDTX.
Ngoài ra, quy chế quy định hình thức xử phạt đối với TS vi phạm quy chế với các mức từ cảnh cáo trước hội đồng coi thi đến đình chỉ thi, hủy kết quả của cả kỳ thi và hủy kết quả thi, cấm thi từ 1-2 năm. Riêng các trường hợp thi hộ sẽ hủy kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục tại kỳ thi cùng năm, buộc thôi học tại các cơ sở giáo dục hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm.
Doanh Doanh (SGGP)

 

Bình luận (0)