Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi THPT, BT THPT, TCCN, CĐ, ĐH 2009: Những điểm mới đáng chú ý

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2008 trao đổi sau buổi thi môn văn.  Ảnh: T.Tr

Vừa qua, Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2009 được Bộ GD-ĐT tổ chức qua cầu truyền hình tại 6 điểm: Thái Nguyên, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ với sự tham gia của 617 đơn vị, gồm đại diện các bộ, hiệp hội, các ĐH (ĐH), học viện, các trường ĐH, cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và đại diện các sở GD-ĐT trên toàn quốc. Dựa trên những ý kiến thảo luận tại hội nghị này, Bộ GD-ĐT đã có kết luận mới nhất về kỳ thi THPT, BT THPT và tuyển sinh TCCN, CĐ, ĐH năm 2009.
Thi tốt nghiệp THPT và BT THPT tổ chức theo cụm
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2009 Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức thi theo cụm. Theo đó, trên địa bàn mỗi tỉnh, thành tổ chức cho học sinh lớp 12 hoặc thí sinh tự do thi theo các cụm trường, mỗi cụm có ít nhất 3 trường THPT (hoặc 3 trung tâm GDTX). Các tỉnh, thành có thể thành lập hội đồng hỗn hợp 2 trường THPT và 2 trung tâm GDTX, tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi. Mỗi cụm trường thành lập một hội đồng coi thi. Mỗi địa điểm thi bố trí 1 phó chủ tịch hội đồng làm trưởng điểm thi. Trường hợp đặc biệt như những trường ở vùng xa, vùng cao, hải đảo điều kiện đi lại khó khăn, không thể tổ chức thi theo cụm, hoặc chỉ tổ chức được 2 trường/1 cụm thì các sở GD-ĐT báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ. Trong mỗi hội đồng coi thi, danh sách thí sinh được lập theo 3 ban: Ban Khoa học Tự nhiên, Ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ban Cơ bản. Theo đó, trong từng ban, lại xếp lần lượt các ngoại ngữ; cuối cùng tên thí sinh được xếp theo thứ tự a, b, c,…, sau đó mới xếp lần lượt vào các phòng thi. Những phòng thi cuối cùng có thể được xếp ghép các ban với nhau. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra của Bộ và giám thị ngoài phòng thi cũng được điều chỉnh: chỉ có thanh tra của Bộ làm nhiệm vụ giám sát ở hành lang và xung quanh phòng thi; giám thị ngoài phòng thi thực hiện các nhiệm vụ do chủ tịch hội đồng phân công, ở khu vực bên ngoài, không nằm trong phạm vi hành lang phòng thi và hỗ trợ thanh tra khi cần thiết.
Một số điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ
Về cơ bản, công tác thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 vẫn giữ ổn địnhtheo giải pháp 3 chung và 3 kỳ thi như năm 2008, tuy nhiên, dự kiến sẽ có một số điểm mới. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Đề thi được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đối với các môn: toán, vật lí, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lí, đề thi mỗi môn gồm 2 phần. Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Thí sinh nào làm cả hai phần riêng thì bài làm bị coi là phạm quy, cả 2 phần riêng đều không được chấm (chỉ chấm điểm phần chung). Với các môn ngoại ngữ, đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
Các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung, theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo. Căn cứ trên nguyên tắc và quy định chung, các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định. Điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỷ lệ trúng tuyển hợp lí giữa các nguyện vọng. Không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét quyết định.
Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh (đối với các trường đóng tại các vùng dân tộc thiểu số và các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương). Các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1,0 điểm, nhưng không quá 1,5 điểm, để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết. Những trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm, nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao. Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng nằm trong tổng chỉ tiêu được phê duyệt. Các trường công bố công khai về chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo, địa chỉ sử dụng trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009”.Chỉ tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng bằng hình thức xét tuyểnnhững thí sinh đã dự thi ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐTtrong năm. Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, công bố công khai mức thu học phí hàng tháng đối với khóa tuyển sinh năm 2009 (hoặc năm học, khóa học) trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2009”.
Tuyển sinh TCCN tiếp tục thực hiện theo hình thức xét tuyển
Năm nay Bộ GD-ĐT sẽ huy động giám thị từ trường ĐH, CĐ tham gia coi thi trong phòng thi, nhất là ở những nơi không thể tổ chức thi theo cụm hoặc chỉ tổ chức cụm thi có 2 trường. Đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh lân cận để chấm thi: Tỉnh A chấm bài cho tỉnh B, tỉnh B chấm bài cho tỉnh C(Bộ GD-ĐT sẽ quyết định cụ thể việc đổi chéo bài thi giữa các tỉnh). Ngoài ra, Bộ GD-ĐT quyết định năm học 2009 không tổ chức lần 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT, BT THPT. 
Về cơ bản công tác thi tuyển sinh TCCN năm 2009 được thực hiện như năm 2008 và có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp. Cụ thể, năm 2009, các cơ sở đào tạo tiếp tục áp dụng các quy định tại Quyết định số 639/QĐ-BGDĐT ngày 7-2-2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để xác định chỉ tiêu đào tạo TCCN. Các trường vi phạm Quy chế tuyển TCCN và các quy định hiện hành về đào tạo TCCN năm 2008, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và điều chỉnh giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN năm 2009 hoặc có thể không giao chỉ tiêu đào tạo TCCN năm 2009.
Chỉ tiêu đào tạo TCCN năm 2009 đối với các trường ĐH, nhất là các trường không có truyền thống đào tạo TCCN sẽ điều chỉnh theo hướng giảm dần từ năm 2009 đến năm 2012-mỗi năm giảm từ 15% đến 20%-để các trường tập trung vào nhiệm vụ chính là đào tạo bậc ĐH và sau ĐH. Ngoài ra, việc xác định chỉ tiêu đào tạo TCCN còn căn cứ vào các hợp đồng đào tạo theo địa chỉ để đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động. Năm 2009, việc tuyển sinh TCCN tiếp tục thực hiện theo hình thức xét tuyển (không tổ chức thi) để tuyển sinh, trừ các ngành đào tạo năng khiếu. Đối tượng tuyển sinh vào TCCN bao gồm: học sinh đã tốt nghiệp THPT và THCS hoặc tương đương (tùy theo đối tượng tuyển của từng trường). Ngoài ra, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường xét tuyển những thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp được vào học TCCN. Tùy theo đối tượng tuyển sinh, đặc điểm, yêu cầu của ngành đào tạo và tình hình cụ thể của từng trường, các trường có thể lựa chọn tiêu chí xét tuyển là kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2009 của thí sinh để xét tuyển vào TCCN. Các sở GD-ĐT, các trường TCCN và các trường ĐH, CĐ có đào tạo TCCN nhất thiết phải sử dụng chương trình máy tính tuyển sinh của Bộ để đảm bảo sự thống nhất trong toàn hệ thống, không sử dụng bất cứ phần mềm nào khác. Việc nhập liệu hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh phải đảm bảo chính xác, tuyệt đối không được nhầm lẫn, sai sót. Sau khi gọi thí sinh nhập học, các trường phải thực hiện nghiêm túc việc tự kiểm tra kết quả trúng tuyển và hồ sơ dự tuyển của tất cả các thí sinh được gọi nhập học, phải kiểm tra đối chiếu với hồ sơ gốc của từng thí sinh, đồng thời kịp thời xử lý theo quy chế nếu thí sinh khai man hồ sơ.
Nhóm phóng viên

 

Bình luận (0)