Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thi THPT quốc gia 2016 môn văn: Cách chấm điểm như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Làm bài phần làm văn (7 điểm) của đề thi môn ngữ văn, ngoài kiến thức và kỹ năng, thí sinh muốn có điểm cao cần phải chú ý đến cách chấm điểm theo đáp án.

Thí sinh cần lưu ý sự thay đổi về cách chấm để bài làm không bị mất điểm. Trong ảnh: Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015Ảnh: M.Tâm

Chấm “bổ dọc” khác chấm “cắt ngang”

Có thể nhận xét ngắn gọn thế này: Nếu trước kỳ thi THPT năm 2014, đề thi và đáp án chấm (dù đã có sự thay đổi) nhưng cơ bản vẫn theo hướng yêu cầu “đóng”. Trong đó chú trọng nhiều đến kiến thức bài làm của thí sinh trong chương trình nhiều hơn là yêu cầu đánh giá kỹ năng làm bài, kỹ năng vận dụng kiến thức và tư duy xã hội của người làm bài. Từ năm 2014, và rõ nhất là kỳ thi 2015 vừa qua, cách ra đề thi và đáp án chấm có sự thay đổi theo hướng ngược lại, hướng “mở”. Vì vậy, thay vì trước đây, giám khảo chấm đọc bài làm của thí sinh đến đâu, nếu có ý, thì cho điểm đến đấy. Cách chấm đó gọi là cách chấm cắt ngang bài làm. Nay cách chấm đổi mới yêu cầu giám khảo phải đọc hết bài làm của thí sinh, sau đó cho điểm theo các yêu cầu cụ thể. Cách chấm này gọi là cách chấm bổ dọc.

Yêu cầu cụ thể của cách chấm bổ dọc cho phần nghị luận xã hội và cho cả phần nghị luận văn học này là: đảm bảo được cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm), xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm), chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp (1,0 điểm với bài nghị luận xã hội và 2,0 điểm với bài nghị luận văn học), tính sáng tạo (0,5 điểm) và chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm).

Như thế, nếu trước kia, thí sinh giới thiệu được vấn đề (mở bài) thì được 0,25 điểm với bài nghị luận xã hội, hoặc 0,5 điểm đối với bài nghị luận văn học. Thì nay, nếu thí sinh viết thiếu mở bài, thân bài hoặc kết bài thì không có điểm. Điểm đặc biệt chú ý nữa là nhiều thí sinh đã có thói quen viết bài văn thành 3 đoạn văn (mở – thân – kết). Nhưng theo đáp án, nếu thân bài chỉ có 1 đoạn văn (hoặc cả bài chỉ có 1 đoạn văn) thì phần yêu cầu cấu trúc bài nghị luận sẽ 0 điểm. Cũng theo đó, các yêu cầu về tính sáng tạo, về chính tả, dùng từ, đặt câu, đáp án chấm trước đây chỉ đưa vào phần lưu ý chung thêm cho giám khảo khi chấm, chứ không phải quy định thành thang điểm cụ thể như trên. 

Lưu ý để không bị mất điểm

Để không bị mất điểm, thí sinh phải chú ý về các yêu cầu thang điểm trên để đáp ứng được các yêu cầu đó. Rõ ràng là với cách chấm mới này thì kiến thức chỉ chiếm một phần, còn lại là kỹ năng và sự sáng tạo của thí sinh khi làm bài chiếm một số điểm không nhỏ. Thế nhưng, quan sát bài làm của thí sinh trong các kỳ thi qua, chúng tôi thấy nhiều em chưa ý thức được điểm này, nên mất điểm đáng tiếc.

Lỗi nhiều nhất của thí sinh trong các kỳ thi là lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu. Thông thường trong một bài làm chỉ cần các em mắc khoảng 3 lỗi về các mặt này thì bị xem như mất 0,5 điểm. Vì thế, trước khi nộp bài, thí sinh phải dành một khoảng thời gian hợp lý để đọc lại một cách khách quan bài làm và chỉnh sửa lỗi.

Đối với phần đảm bảo được cấu trúc bài nghị luận, thí sinh phải chia bố cục bài làm hợp lý, cân xứng giữa các phần. Phần triển khai (thân bài) nên viết thành nhiều đoạn văn theo nhiều thao tác, chứ không nên viết một đoạn. Quan trọng nhất là cần theo dõi trục thời gian làm bài để không rơi vào cảnh hết giờ nhưng chưa kịp viết phần kết bài.

Phần xác định đúng vấn đề nghị luận rất quan trọng, vì nó là nội dung trọng tâm vấn đề nghị luận. Nếu xác định sai, bài làm xem như lạc đề, nhất là câu nghị luận xã hội. Vì thế trước khi làm bài cần suy nghĩ kỹ càng, phần giải thích phải thỏa đáng, đúng hướng.

Phần chính của triển khai (thân bài) là yêu cầu chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp. Đây là phần trọng tâm, có thang điểm cao nhất. Tùy theo nội dung đề bài mà áp dụng dàn ý cách viết đã được giáo viên hướng dẫn. Như dàn ý cách triển khai bài làm văn về một tư tưởng, đạo lý, về một hiện tượng đời sống; về một nhân vật văn học, một đoạn thơ hoặc so sánh, đối chiếu hai nhân vật, hai đoạn thơ…   

Tính sáng tạo thể hiện ở cách triển khai, ở bố cục, hoặc hình thức bài làm… Nhưng trước nhất, bài làm có điểm sáng tạo là bài viết có cách diễn đạt độc đáo về câu văn, từ ngữ, sử dụng hình ảnh và các yếu tố biểu cảm. Bài viết thể hiện được quan điểm riêng, thái độ riêng, giọng điệu riêng, nhưng không được vi phạm đến pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt. Hoặc tạo ra tình huống có tính tranh luận, phản biện cao, làm cho giám khảo chấm bài mà như đang tham gia vào quá trình tranh luận ấy.

Có thể một số thí sinh đã quen với cách chấm cũ của đáp án, chưa thấy sự khác biệt này. Vì thế cần lưu ý sự thay đổi về cách chấm trên để bài làm không bị mất điểm.

Trần Ngọc Tuấn
(Giáo viên Trường THPT
Lý Tự Trọng, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)