Hướng nghiệp - Tuyển sinh

Thi THPT quốc gia 2017: Giáo viên, học sinh cần thời gian chuẩn bị

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ 2017 vừa được Bộ GD-ĐT công bố. Đại diện nhiều trường THPT lo ngại những điều chỉnh trong kỳ thi này được thực hiện quá gấp gáp, cả học sinh lẫn giáo viên sẽ dễ bị động…

Thí sinh xem lại bài sau buổi thi môn vật lý trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: M.Tâm

Theo Bộ GD-ĐT, kế thừa những kết quả đã đạt được và điều chỉnh những bất cập, hạn chế sau 2 năm thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh, bộ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh chính quy với một số điều chỉnh.

5 bài thi trong 2 ngày

Năm 2017 sẽ tổ chức 1 loại cụm thi ở tất cả các tỉnh/ thành trên cả nước. Điều chỉnh đề thi, hình thức thi để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan nhằm hạn chế học lệch. Triệt để ứng dụng CNTT trong xét tuyển ĐH-CĐ để hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo. Có lộ trình, bước đi hoàn thiện kỳ thi phù hợp với việc đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông, tiến tới phương án bền vững có thể áp dụng lâu dài.

Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày của tháng 6, chuyển từ thi theo môn sang thi 5 bài thi gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Các bài toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng. Bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Theo Bộ GD-ĐT, đề thi gồm những câu hỏi ở các cấp độ cơ bản nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa nhằm xét tuyển ĐH-CĐ. Đề thi cho mỗi bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng; bài thi toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm.

TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) nhận định, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp, việc giao kỳ thi THPT quốc gia cho địa phương là hết sức hợp lý, còn các trường ĐH-CĐ tự chủ thực sự khâu xét tuyển với sự hỗ trợ chính sách chung của bộ cũng là hướng đi đúng. Tuy nhiên, ông Lý cũng cho rằng, dư luận xã hội chưa có niềm tin về việc để các sở GD-ĐT tổ chức thi trong khi các trường ĐH lại được đánh giá cao ở tất cả các khâu. Vì vậy, tích hợp 2 vấn đề này, vẫn giữ kỳ thi “2 trong 1” nhưng để các trường ĐH có kinh nghiệm chủ trì cụm thi, các sở GD-ĐT hỗ trợ tích cực. Tuy nhiên, các trường ĐH chỉ bảo đảm lực lượng cán bộ khung, khâu thanh tra kiểm tra cũng kết hợp giữa các bên, không nhất thiết quy định trường ĐH phải bảo đảm tối thiểu 50% cán bộ coi thi như trước đây sẽ giảm thiểu khó khăn, di chuyển, tốn kém.

Thực hiện ngay trong năm 2017 thì quá vội vàng!

Phương án của Bộ GD-ĐT đưa ra nếu thực hiện ngay trong năm 2017 là quá vội vàng, học sinh sẽ phải học rất áp lực, nhất là những em cuối cấp. Với những em đã xác định xét ĐH, nhất là những trường tốp trên như y dược, ngoại thương… thì đã chú tâm học và luyện từ năm lớp 10, trễ nhất cũng từ lớp 11 trong khi bây giờ năm cuối lại thay đổi hoàn toàn thì sẽ rất khó cho các em. Chỉ trong một năm học các em không thể học kịp. Theo tôi, đáng lẽ một quyết định phải đưa ra sớm để ba năm tới mới thực hiện. Có như thế, cả học sinh và nhà trường mới có thời gian chuẩn bị kỹ càng để có kết quả thi tốt và kỳ thi sẽ chất lượng hơn.

Hà Thị Kim Liên 
(Cựu giáo viên Trường THPT
Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) 

Ở khâu xét tuyển, ông Lý đề xuất, năm 2017 cần tích hợp những cái được của 2 kỳ xét tuyển 2015 và 2016. Cụ thể, cái được của 2015 là công khai, minh bạch số liệu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển; cái được của 2016 là lấy hướng nghiệp làm gốc, thí sinh trúng tuyển vào đúng ngành phù hợp nhiều hơn. Theo đó, thời gian xét tuyển có thể vẫn là 12 ngày, chia thành 3 đợt cho 3 mức điểm gồm điểm cao, vừa và thấp. Chẳng hạn, 4 ngày đầu dành những thí sinh có điểm trên hoặc bằng 25; 4 ngày tiếp theo cho thí sinh có điểm trên hoặc bằng 20 (dưới 25); 4 ngày còn lại cho thí sinh từ sàn đến dưới 20. Thí sinh đăng ký xét tuyển online 100%…

Cần thời gian để giáo viên và học sinh chuẩn bị

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017, đại diện các trường THPT tại TP.HCM ủng hộ rất cao sự đổi mới mạnh mẽ này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng đổi mới cần có thời gian cho giáo viên và học sinh chuẩn bị, đặc biệt Bộ GD-ĐT cần công bố sớm đề thi minh họa để giáo viên đổi mới giảng dạy, hướng dẫn kịp thời cho các em thực hiện tốt bài thi.

Ông Ngô Tương Đại (Phó Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ, TP.HCM) cho rằng: “Việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá, đặc biệt là thi THPT quốc gia chúng tôi rất ủng hộ nhưng đổi mới như thế nào cần công bố sớm để nhà trường có sự chuẩn bị tốt nhất. Với dự thảo này, đề thi môn toán chuyển từ tự luận (3 giờ) sang trắc nghiệm thì tư duy phải nhanh, giáo viên phải thay đổi cách dạy chứ không thể dạy theo kiểu truyền thống như bao nhiêu năm nay được. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải công bố đề thi minh họa sớm để giáo viên biết hình thức ra đề như thế nào, từ đó có sự điều chỉnh trong giảng dạy cho phù hợp”. Từ những phân tích này, ông Đại cho rằng thời điểm này Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo, đến đầu tháng 10 mới công bố đề minh họa là rất chậm, tốt nhất nên để sang năm sau rồi thực hiện. 

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT ở một huyện ngoại thành cũng thẳng thắn cho hay: “Giáo viên và học sinh chưa quen cái cũ, cái mới đã tới nên hiện khá hoang mang. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự thảo, chúng tôi hi vọng sau khi nhận được những góp ý của nhà giáo và học sinh, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh phù hợp nhất để thực hiện”.

Mặc dù đây mới chỉ là dự thảo nhưng hiện nhiều trường THPT tại TP.HCM cũng tìm các phương án giảng dạy để đáp ứng đổi mới này. “Cùng các trường trong cụm, trường đang tìm phương án tốt nhất để vừa thực hiện chương trình theo quy chế chuyên môn (không cắt xén, bỏ bớt) nhưng cũng tính đến mục đích thi sắp tới của kỳ thi THPT quốc gia để tránh quá tải cho các em. Đối với các môn thi trắc nghiệm vật lý, hóa học, sinh học thì dễ vì nhiều năm nay đã thi trắc nghiệm rồi. Riêng môn toán thì rất mới, tổ chuyên môn toán phải tính toán kỹ lưỡng để thay đổi cách dạy theo hướng thi trắc nghiệm chứ không thể dạy như bấy lâu nay”, ông Nguyễn Văn Chặng (Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú) cho biết.

Ông Chặng chia sẻ thêm, một tín hiệu đáng mừng nữa là môn giáo dục công dân đã được quan tâm và đưa vào kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, giáo viên đang mong chờ bộ ra đề như thế nào và có hướng dẫn cụ thể hơn trong giảng dạy.

Mê Tâm – Dương Bình

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)