Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi THPT quốc gia 2017 trong tháng 6

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 28-9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2017. So với dự thảo ban đầu, phương án thi chính thức có một số điều chỉnh như tăng số lượng câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Thí sinh thi THPT quốc gia 2016

Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra trong tháng 6 (thay vì tháng 7 như năm nay) với 5 bài thi, trong đó 3 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp gồm khoa học tự nhiên (vật lí, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổng hợp các môn lịch sử, địa lí, giáo dục công dân). 

3 bài thi bắt buộc, 1 bài thi tự chọn

Thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài gồm 2 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi (điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp) và có thể chọn thi thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH-CĐ nếu có nguyện vọng.

Riêng bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, do giáo viên chấm, còn lại các bài toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, chấm bằng phần mềm máy tính.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét ĐH-CĐ chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành/nhóm ngành theo quy định của các trường.

Tăng câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài

Đề thi THPT quốc gia 2017 gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa để phục vụ cho xét tuyển ĐH-CĐ. So với dự thảo công bố ban đầu, phương án thi chính thức có một số điều chỉnh như tăng số lượng câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài ở bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Cụ thể, đề thi cho mỗi  môn thành phần trong bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm). Thời gian làm bài dành cho mỗi môn thành phần của bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là 50 phút (150 phút/bài thi). Đề thi toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm, làm trong 90 phút, đề thi ngoại ngữ có 50 câu hỏi làm trong 60 phút. Đối với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh sẽ  có 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng. Riêng bài thi ngữ văn có thời gian làm bài là 120 phút.

Kì thi sẽ diễn ra vào hai ngày trong tháng 6-2017. Buổi sáng ngày thứ nhất thi ngữ văn và ngoại ngữ, buổi chiều thi toán. Sáng ngày thứ 2 thi bài khoa học tự nhiên và chiều thi bài khoa học xã hội.

Sau khi có kết quả thi, các sở GD-ĐT sẽ cập nhật kết quả thi lên hệ thống quản lý dữ liệu của Bộ GD-ĐT, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh 1 giấy chứng nhận kết quả thi. Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ kết hợp sử dụng kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50 : 50. Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm) là 1 điểm. Điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp là 1 điểm. 

Mê Tâm

4 phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ

Thí sinh xem bài trước giờ thi THPT quốc gia 2016 môn văn. Năm 2017, đây sẽ là môn duy nhất thi tự luận

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2017 sẽ gồm 4 phương thức sau:

1. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia: 

Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Bộ quy định, chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau, trong đó, dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D).

Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH-CĐ, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Bộ GD-ĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất của các em, công khai danh sách để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào những điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Trong thời hạn quy định của trường, thí sinh trúng tuyển phải khẳng định nhập học tại trường; trường có trách nhiệm cập nhật sớm nhất danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung để các trường khác cùng biết.

Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

2. Sơ tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh:

Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan. Đồng thời, phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận) và cách tính điểm xét tuyển.

3. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT: 

Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.

4. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh:            

Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh, đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.

 

Bình luận (0)