Đó là lời khuyên của TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam) tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức ở Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp) sáng 26-2.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ đặt câu hỏi với Ban tư vấn |
Không đăng ký nguyện vọng tràn lan
TS. Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý: Từ năm 2017, đề thi THPT quốc gia có sự thay đổi lớn, và năm 2018 về cơ bản cũng tương tự, chương trình lớp 11 chiếm 15-30%. Vì vậy, ngay từ bây giờ các em phải củng cố kiến thức. Cũng từ năm 2017, không thi theo môn mà theo bài thi. Quy chế cho phép nhưng học sinh không nên chọn cả hai bài thi vì thống kê cho thấy thí sinh chọn cả hai bài thi điểm rất thấp.
Đánh giá về hình thức thi trắc nghiệm, ông Nghĩa cho rằng hình thức này tạo thuận lợi cho thí sinh, hạn chế điểm liệt nhưng không vì thế mà chủ quan. Trong các kỳ xét tuyển ĐH-CĐ gần đây, điểm trung bình năm lớp 12 chiếm 50%, còn lại là điểm các môn thi. Điểm trung bình năm lớp 12 rất quan trọng, có thể kéo điểm ở các môn thi. Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2018 có thể điều chỉnh nhưng về cơ bản vẫn không thay đổi lớn. Khoảng cuối tháng 7 công bố điểm thi THPT quốc gia, các em có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký. “Mặc dù thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng phải cân nhắc kỹ, ưu tiên chọn ngành, trường mình thích nhất bằng nguyện vọng 1, không đăng ký vô tư, tràn lan”, ông Nghĩa khuyên.
Trả lời câu hỏi của em Cao Lê Mỹ Hằng (lớp 12A17) về hình thức xét tuyển, ThS. Trần Hải Nam (Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết trường có hai hình thức xét tuyển, gồm: xét điểm học bạ 3 năm phổ thông và xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Ở hình thức xét tuyển theo học bạ, trường cũng có hai hình thức, cụ thể là điểm học bạ phổ thông với 3 môn đủ 18 điểm (trừ ngành y với 20 điểm) và học bạ năm lớp 12 đạt 6.0 trở lên.
Em Lê Hồng Nguyên Phương (lớp 12A20) cho biết rất quan tâm đến ngành quan hệ quốc tế, hỏi: “Cơ hội việc làm của ngành này có rộng mở trong tương lai không?”. Bà Trương Thị Ngọc Bích (đại diện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định đây là ngành đang “khát” nhân lực. Tốt nghiệp có thể làm việc ở các cơ quan Nhà nước về chính sách phát triển kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế; tham gia các dự án phát triển kinh tế của các tổ chức, đơn vị…
Tại chương trình, ThS. Nguyễn Hoàng Thiên Thu (đại diện Trường ĐH Việt Đức) cũng cung cấp cho học sinh nhiều thông tin về chương trình học của đối tác Đức mà trường đang liên kết. Về đầu vào, trường chỉ xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia với 21 điểm và phải trải qua kỳ thi do ĐH Việt Đức tổ chức. Ở tất cả các ngành, sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngoài chính sách học bổng từ điểm thi đầu vào và các chương trình của trường ĐH đối tác, sinh viên còn có thể sở hữu học bổng có giá trị từ doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài.
Định hướng phân ngành tránh thất nghiệp
“Em đam mê ngành kiến trúc nhưng không có năng khiếu hội họa, liệu em có cơ hội để thử sức mình?”. Đây là câu hỏi của em Nguyễn Trương Bảo Ngọc (lớp 12A5) được ông Hoàng Đức Bình (đại diện Trường ĐH Bắc Đan Mạch) giải đáp: Các ngành thiết kế, kiến trúc… cần nền tảng hội họa, sẽ thuận lợi hơn trong quá trình học. Tuy nhiên, các em không cần quá lo lắng nếu học ngành này ở các trường ĐH nước ngoài, bởi hầu hết các trường này không thi đầu vào môn hội họa mà chỉ yêu cầu có tập tác phẩm nghệ thuật để trường chấm và đánh giá sơ khởi. Kiến thức hội họa sinh viên sẽ được đào tạo trong thời gian học.
Không tự tạo áp lực cho mình Đó là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn dành cho các em học sinh sắp bước vào kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2018. Để tránh áp lực, trước hết các em cần chọn ngành nghề hợp với khả năng của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình. Đặc biệt, không làm khó mình khi phải chọn một trường ĐH quá sức, như thế sẽ khiến tâm lý mệt mỏi, căng thẳng. Sắp xếp thời gian học, nghỉ ngơi hợp lý cũng là cách để bảo vệ sức khỏe, tránh áp lực tâm lý nặng nề khi mùa thi đang đến gần. Theo đó, các em cần có lịch ăn và ngủ đủ, hợp lý. Chuyên gia Vũ Thiện Toàn cảnh báo: “Thức khuya học bài trong khoảng từ 0 giờ đến 5 giờ sáng sẽ không có kết quả tốt mà ngược lại có thể đổ nhiều bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là gan vì không được nghỉ ngơi”. |
Ông Bình cho biết thêm, tại Trường ĐH Bắc Đan Mạch, ngành công nghệ kiến trúc và kỹ thuật xây dựng được đánh giá là ngành đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cung cấp nguồn nhân lực cho các nước Bắc Âu. Nếu không có điều kiện học tại ĐH Bắc Đan Mạch, sinh viên có thể học tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, sau đó tham gia chương trình liên kết với ĐH Bắc Đan Mạch từ 1 đến 2 học kỳ với chi phí thấp.
Tại chương trình, nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng về nhu cầu nhân lực ngành quản trị kinh doanh ngày càng giảm, dù rất muốn học nhưng ngại đăng ký xét tuyển. ThS. Trần Duy Can (đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng đây là tâm lý chung của học sinh trong những mùa tuyển sinh gần đây. Có rất nhiều trường đào tạo ngành quản trị kinh doanh, thực tế sinh viên ra trường có sự mâu thuẫn là cái gì cũng biết nhưng lại không biết cái gì. Dù học ngành quản trị kinh doanh nhưng khi phân ngành, sinh viên cần cân nhắc để định hướng vào 4 nhóm, gồm: nhân sự, sản xuất điều hành và dịch vụ; tài chính và khởi nghiệp để có cơ hội việc làm tốt nhất. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hàng năm số người đăng ký học văn bằng 2 ngành quản trị kinh doanh khá cao, chứng tỏ ngành này không khó xin việc như nhiều người nghĩ. Trong quá trình học, sinh viên được trang bị kỹ năng quản trị và phát triển kỹ năng quản trị. Ngoài ra trường còn có 29 câu lạc bộ sinh viên, trong đó có câu lạc bộ nhân sự và khởi nghiệp. Đây là cơ hội để sinh viên trau dồi kỹ năng, cọ xát với thực tế.
Trần Anh
Bình luận (0)