So với bài thi khoa học tự nhiên, bài thi khoa học xã hội (KHXH) có vẻ “dễ thở” hơn khi kiến thức gắn liền với thực tế. Để hạn chế mất điểm trong bài thi này, các em học sinh nên ghi nhớ những chú ý sau:
Học sinh lớp 12A12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (TP.HCM) trong giờ ôn tập môn GDCD chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019
+ Cô Bùi My Thúy (giáo viên môn lịch sử, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Môn sử: tránh nhầm lẫn từ khóa của mỗi giai đoạn
Với phương pháp ra đề như hiện nay, đề thi môn sử không đặt nặng yếu tố về con số, dữ kiện thời gian mà theo hướng nắm bắt vấn đề, bản chất sự kiện. Vì vậy những học sinh “học tủ”, “học vẹt” đừng mong sẽ đạt được điểm cao. Theo đó, với đề thi trắc nghiệm, môn sử đòi hỏi các em phải hiểu kiến thức, hiểu bản chất vấn đề. Khi làm bài, các em phải đọc thật kỹ đề, nên tìm ra những từ khóa của sự kiện để làm.
Ở môn sử, điều mà học sinh thường nhầm lẫn nhất là các sự kiện, mốc thời gian chính của sự kiện, ý nghĩa sự kiện… dẫn đến “râu ông nọ cắm cằm bà kia” và mất điểm oan uổng. Bên cạnh đó, việc nhầm lẫn các thuật ngữ trong môn học cũng khiến các em bị mất điểm khi lựa chọn đáp án trong bài thi trắc nghiệm. Do đó, để tránh mất điểm, các em nên ghi nhớ các từ khóa của mỗi giai đoạn, sự kiện, rồi căn cứ vào đó để chọn đáp án phù hợp.
Đặc biệt, ở nhiều câu hỏi, đề sẽ không ra một cách trực tiếp mà ra dưới dạng gián tiếp, tổng hợp nhiều sự kiện, nhiều vấn đề khác nhau sẽ khiến các em gặp khó. Khi gặp các dạng câu hỏi này, các em cần phải đọc kỹ đề, cẩn trọng chọn ra các từ khóa, những ý chính, kết hợp cùng lập luận, tư duy để chọn đáp án. Với 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong thời gian 50 phút, để tránh bị mất điểm, các em nên làm đến đâu chắc đến đó. Đừng nên sa đà quá nhiều vào những câu hỏi khó.
+ Cô Lê Thị Nga (Tổ trưởng Tổ địa Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM): Môn địa: yếu kỹ năng dễ mất điểm
So với môn sử thì địa là môn học sinh dễ lấy điểm hơn. Bởi đề thi môn địa thiên nhiều về lý thuyết, bài tập thực hành bổ trợ cho lý thuyết. Xét theo đề minh họa của Bộ GD-ĐT thì kiến thức ở lý thuyết và thực hành đa phần sẽ ở mức cơ bản, không quá khó, dễ kiếm điểm. Nhưng để làm tốt bài thi đòi hỏi các em phải có sự cẩn trọng, tư duy sâu. Đặc biệt, học sinh cần lưu ý các câu hỏi đọc Atlat, đọc bảng số liệu, biểu đồ. Bởi nội dung thường là những kiến thức quen thuộc nhưng nhiều học sinh lại hay nhầm lẫn, sai sót trong phần này. Với các câu hỏi dạng này, học sinh phải bình tĩnh đọc thật kỹ đề để nhận diện ra các số liệu, biểu đồ, thông số trong Atlat nhằm tránh sự nhầm lẫn, dẫn đến mất điểm. Khi nhận diện được biểu đồ, học sinh nên căn cứ vào các từ khóa để phân biệt, với Atlat thì dựa vào các ký hiệu chung.
Một dạng câu hỏi nữa mà học sinh cũng hay nhầm lẫn khi làm bài là câu hỏi phủ định. Dạng câu hỏi này yêu cầu tìm ra đáp án sai giữa các đáp án đúng. Vì vậy, khi làm bài thi, các em phải đọc thật kỹ đề, tránh nhầm lẫn trong câu hỏi mà chọn đáp án sai.
Với từng mảng kiến thức như Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý các vùng kinh tế, Địa lý các ngành kinh tế, nếu các em nắm vững kiến thức cơ bản của từng mảng, biết liên hệ với thực tế thì chắc chắn làm bài sẽ đạt được điểm cao.
+ Cô Nguyễn Thị Huyền Trang (Tổ trưởng Tổ GDCD Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM): Môn GDCD: khi chọn đáp án cần cân nhắc với thực tế
Trong bài thi KHXH, GDCD là môn thi “dễ ghi điểm” hơn cả. Bởi kiến thức môn học rất gần với thực tế cuộc sống, học sinh chỉ cần hiểu được bản chất của vấn đề, có sự nhìn nhận với cuộc sống thì sẽ dễ dàng có điểm cao. Theo đó, đề thi môn GDCD sẽ gồm hai phần là lý thuyết và các bài tập tình huống. Cả hai phần này kiến thức đều rất gần gũi với đời sống, nhưng nếu học sinh không có sự chú ý và biết phân tích thì cũng dễ mất điểm.
Một điều cần lưu ý là kiến thức mà học sinh hay nhầm lẫn nhất trong môn GDCD là những kiến thức liên quan đến pháp lý như các hình thức thực hiện pháp luật; trách nhiệm pháp lý ở độ tuổi 14 đến 16; các vi phạm về dân sự, hình sự, kỷ luật; nhầm lẫn giữa các quyền tự do cơ bản của công dân… Từ nhầm lẫn về lý thuyết sẽ dẫn đến nhầm lẫn trong các bài tập tình huống, lựa chọn ra các đáp án sai.
Để tránh mất điểm trong môn GDCD, học sinh phải đọc thật kỹ đề, lưu ý thật kỹ trong các bài tập tình huống. Ngoài kiến thức lý thuyết, khi lựa chọn đáp án cần cân nhắc với yếu tố thực tế để lựa chọn. Ở các bài tập tình huống, nhiều khi rất “loằng ngoằng” với các chi tiết, nhiều nhân vật… Gặp dạng bài này, các em nên đọc kỹ, tìm ra nhân vật trọng tâm, nhân vật liên quan để không gặp “rối” khi phân tích, đưa ra đáp án.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)