Đề thi THPT quốc gia môn văn năm nay chủ yếu là kiến thức lớp 12. Vậy đề thi về thơ trong câu 2, phần làm văn (5.0 điểm) sẽ như thế nào? Sau đây là những lưu ý và kinh nghiệm của chúng tôi trong việc làm bài khi đề liên quan đến thơ.
Thí sinh xem lại đề môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Y.Hoa
4 bài thơ trọng tâm và 5 dạng bài gợi ý
Có 5 văn bản thơ được học chính thức ở chương trình lớp 12, gồm: Tây Tiến – Quang Dũng, Việt Bắc – Tố Hữu, Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm, Sóng – Xuân Quỳnh và Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo. Bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca được đưa vào phần đọc thêm của chương trình GDTX (cùng với Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi). Mà đề thi chung cho cả hai đối tượng phổ thông và GDTX, nên thí sinh không nên quá chú trọng đến bài thơ trên của Thanh Thảo. Như vậy sẽ có 4 bài là thơ trọng tâm trong đề thi THPT quốc gia năm nay.
Theo chúng tôi, sẽ có 5 dạng yêu cầu về văn bản thơ sau đây: Thứ nhất, phân tích/cảm nhận về 1 đoạn thơ (ví dụ một đoạn trong bài Tây Tiến). Thứ hai, phân tích/cảm nhận về 1 đoạn thơ, từ đó làm rõ một ý kiến/nhận xét/đặc điểm về phong cách (*), nghệ thuật… nào đó. (Ví dụ (*): Phân tích một đoạn thơ trong bài Việt Bắc, từ đó làm rõ tính dân tộc của thơ Tố Hữu thể hiện qua đoạn thơ ấy). Thứ ba, phân tích/cảm nhận về 2 đoạn thơ của 2 bài thơ khác nhau, từ đó nhận xét về những điểm giống và khác nhau giữa chúng. (Ví dụ hai đoạn thơ của Việt Bắc và Tây Tiến). Thứ tư, phân tích/cảm nhận một khía cạnh về nội dung/nghệ thuật bao trùm toàn bộ bài thơ/hoặc đoạn thơ (ví dụ tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” trong đoạn trích Đất nước); hoặc phân tích kết hợp bàn luận một nhận định về bài thơ (ví dụ hình tượng “sóng” trong bài thơ Sóng để làm rõ một nhận định nào đó). Thứ năm, không loại trừ khả năng đề cho theo hướng mở: từ một đoạn thơ liên hệ đến một đoạn thơ tự chọn… Trong 5 dạng trên, thí sinh chú ý dạng thứ hai và thứ ba, vì các dạng này tiêu biểu cho đề thi THPT quốc gia hơn cả. Để làm tốt các dạng đề trên, thí sinh cần phải nhớ thơ, nhất là những câu thơ tiêu biểu.
Bố cục như thế nào?
Để có nguồn dẫn chứng phong phú, các em cần phải thu thập bằng cách quan sát xã hội, theo dõi thông tin trên báo đài, ghi chép và ghi nhớ. Có thể lấy dẫn chứng từ người thật việc thật, từ sách, từ các tác phẩm văn học… |
Bố cục bài làm phải phù hợp theo từng dạng trên. Nó cũng gồm, giới thiệu (mở bài) những kiến thức chung, liên quan đến tác giả, tác phẩm, đoạn thơ, ý kiến/nhận định. Với dạng thứ ba cần phải giới thiệu 2 lần kiến thức liên quan đến 2 đoạn thơ, các dạng còn lại chỉ cần giới thiệu vế đầu của yêu cầu; phần triển khai (thân bài) nên vận dụng các bước tùy theo đề bài yêu cầu. Chẳng hạn với dạng thứ hai, thí sinh phân tích đoạn thơ trước, sau đó bàn luận để làm rõ về nhận định “từ đó…”. Với dạng thứ ba, thí sinh lần lượt phân tích hai đoạn thơ, sau đó nhận xét sự giống và khác nhau giữa chúng về nội dung, nghệ thuật và đánh giá. Nói gọn lại là, đề có nhiều mức yêu cầu, thì lần lượt giải quyết từng yêu cầu, sau đó đưa ra nhận xét, đánh giá. Phần kết bài phải kết luận được vấn đề nghị luận. Đầu phần thân bài (trước khi phân tích đoạn thơ) nên có nhận xét khái quát về thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu và bố cục bao nhiêu ý để định hướng cách triển khai…
Đưa dẫn chứng liên hệ như thế nào?
Có 6 bước trong quy trình phân tích thơ sau đây: Lời dẫn (phần đầu)/chuyển ý (các câu tiếp theo); trích thơ (đầy đủ); diễn thơ ra ý văn xuôi (cần trôi chảy, đúng ý nghĩa, hay); phân tích sâu/kỹ (các từ ngữ, chi tiết, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật…); đưa dẫn chứng liên hệ, so sánh (*); cuối cùng tiểu kết (ngắn gọn) các ý đã phân tích.
Ở bước (*), thí sinh cần trích dẫn chứng. Bài làm thiếu dẫn chứng sẽ thiếu sức hấp dẫn và mất điểm sáng tạo theo quan niệm chung của giám khảo chấm thi. Để đưa dẫn chứng vào bài làm hiệu quả, nên áp dụng 3 bước sau: Bước 1, từ luận điểm đang nghị luận, liên hệ với dẫn chứng tương ứng (dẫn chứng có thể tương đồng hoặc dị biệt); bước 2, tái hiện lại dẫn chứng (có kèm phân tích/diễn giải/bàn luận); bước 3, chốt ý, bám sát dẫn chứng với luận điểm (Dẫn chứng có liên hệ gì với luận điểm? Dẫn chứng làm sáng tỏ hơn cho luận điểm điều gì?…).
Để có nguồn dẫn chứng phong phú, các em cần phải thu thập bằng cách quan sát xã hội, theo dõi thông tin trên báo đài, ghi chép và ghi nhớ. Có thể lấy dẫn chứng từ người thật việc thật, từ sách, từ các tác phẩm văn học. Cần chia các nguồn dẫn chứng thành nhóm thể loại văn học và xã hội, thành các nhóm đề tài, chủ đề riêng để tiện cho việc sử dụng.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)