Trong bài viết này, chúng tôi muốn đem đến một số gợi ý quan trọng về việc ôn tập các thể loại cho học sinh như: văn chính luận, kịch và các tác phẩm văn xuôi.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) trong giờ học môn văn. Ảnh: Y.H
Để ôn tập thuận lợi, trước hết các em học sinh phải hệ thống vững chắc 4 thể loại văn bản có trong chương trình lớp 12, gồm: thơ, kịch, nghị luận (chính luận) và văn xuôi (tùy bút, bút ký, truyện ngắn). Về thơ gồm 4 bài trọng tâm là: Tây Tiến – Quang Dũng, Việt Bắc – Tố Hữu, Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Sóng – Xuân Quỳnh. Văn chính luận có Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh). Kịch có Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Tùy bút, bút ký có 2 bài (Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường. Truyện ngắn có các tác phẩm: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi thuộc phần đọc thêm của chương trình giáo dục thường xuyên, nên các em không cần quá chú trọng.
Khi ôn tập các tác phẩm trên, các em phải đặc biệt chú ý đến đặc trưng của nó. Vì mỗi thể loại đều có những đặc trưng riêng, trọng tâm kiến thức và đề thi cũng thường bám sát đặc trưng này.
Ôn văn chính luận và văn bản kịch như thế nào?
Đối với văn bản Tuyên ngôn Độc lập, các em cần nắm vững hoàn cảnh ra đời và mục đích viết rất đặc biệt của văn bản; nắm vững bố cục của văn bản và quan hệ chặt chẽ giữa các phần. Do đây là văn bản chính luận nên phải chú trọng đặc trưng của thể loại này là ở nghệ thuật lập luận, tính ngắn gọn, sự chặt chẽ, cách trình bày lý lẽ sắc bén, việc nêu dẫn chứng đầy thuyết phục. Cũng như âm vang và sự biến hóa của giọng điệu, việc sử dụng ngôn ngữ xác đáng… Ngoài ra, các em cũng cần chú ý đến quan điểm và phong cách viết văn của Hồ Chí Minh để nghị luận cho đúng hướng.
Trong 3 phần của bài Tuyên ngôn Độc lập, các em cần chú ý nhiều nhất đến phần mở đầu. Bởi đây là phần kết tinh nhiều nhất tư tưởng, trí tuệ và bút pháp của tác giả. Có thể đề thi sẽ có câu hỏi theo 2 vế: Vế đầu là nghị luận về một phần/đoạn văn bản trong bài tuyên ngôn; vế sau là yêu cầu làm rõ một nhận định nào đó. Vì vậy, các em nên triển khai theo các phần sau: thứ nhất giới thiệu: khái quát (tác giả, hoàn cảnh ra đời, mục đích viết, bố cục văn bản), vị trí đoạn đề yêu cầu) và chuyển ý; thứ hai triển khai: lần lượt nghị luận từng vế yêu cầu hai, yêu cầu nào trước nghị luận trước; thứ ba kết luận (cả hai vế yêu cầu).
Đối với văn bản kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, các em cần nắm vững nội dung tư tưởng, ý nghĩa thời sự cũng như giá trị phê phán của tác phẩm. Cần thấy được 3 lớp mâu thuẫn xung đột kịch trong đoạn trích. Trong đó xung đột giữa Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt và giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích là trọng tâm. Ở mỗi lớp xung đột phải làm rõ được: hoàn cảnh dẫn đến xung đột, diễn biến xung đột, kết quả của xung đột và ý nghĩa triết lý rút ra từ xung đột.
Với văn bản này, đề thi cũng sẽ yêu cầu về liên quan đến hình tượng nhân vật Trương Ba trong các lớp xung đột trên. Đề có thể trích dẫn một đoạn văn bản hoặc có thể không. Và cũng sẽ kèm theo một yêu cầu kép (Từ đó…). Do đó các em cũng triển khai theo dàn ý 3 phần như đã gợi ý trên.
Lập sơ đồ tư duy và so sánh, liên hệ
Văn bản Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông? có hai hình tượng trọng tâm là hai dòng sông. Ngoài ra, ở văn bản Người lái đò sông Đà còn có hình ảnh người lái đò trong đoạn vượt thác. Để nắm được khái quát các hình tượng trọng tâm này, các em nên lập sơ đồ tư duy theo văn bản. Chú ý góc nhìn khá đa dạng của tác giả về các phương diện địa lý, lịch sử, văn hóa… Để dễ nhớ, các em nên lập phép so sánh sự giống và khác nhau của hai hình tượng về nội dung (đề tài, chủ đề, cảm hướng sáng tác, các hình ảnh, chi tiết…) và nghệ thuật (phong cách, bút pháp, ngôn ngữ, giọng điệu, các phép tu từ…).
Việc không thể thiếu là phải thấy được nét đặc trưng về phong cách nghệ thuật, bút pháp của từng tác giả qua hai văn bản. Đề có thể yêu cầu phân tích hai chi tiết (trong hai đoạn văn) của văn bản và từ đó rút ra nhận xét (giống và khác); cũng có thể yêu cầu phân tích một đoạn văn, từ đó làm rõ một nhận xét về phong cách của tác giả. Các em cũng cần có cách trình bày bố cục hợp lý theo trình tự yêu cầu.
Chú ý về các chi tiết trong truyện ngắn
Với các truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa, các em cần đặc biệt chú ý đến các chi tiết đặc sắc, ý nghĩa nhất trong tác phẩm. Nhất là các chi tiết lặp lại nhiều lần, các chi tiết có mối quan hệ ý nghĩa với nhau nhằm làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Ở mỗi chi tiết cũng cần làm rõ được: vị trí (trước đó là gì), diễn tiến, ý nghĩa của chi tiết và bút pháp nghệ thuật của tác giả khi miêu tả chi tiết… Muốn thế, các em phải đọc kỹ và nắm thật vững nội dung tác phẩm, hiểu rõ giá trị hiện thực, nhân đạo và bút pháp nghệ thuật. Ngoài ra, các em cần chú ý thêm về ý nghĩa nhan đề, tình huống của truyện…
Về cách ra đề liên quan đến truyện, các em tham khảo đề thi minh họa năm 2019 của Bộ GD-ĐT về tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)