Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi THPT quốc gia 2019: Còn nhiều thông tin Bộ cần sớm công bố

Tạp Chí Giáo Dục

Trao đổi với PV, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm công bố cụ thể hơn về cách thức ra đề thi cũng như giải pháp khả thi để thực hiện được những điều chỉnh của kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Bộ cần những hướng dẫn cụ thể hơn để giáo viên và học sinh lớp 12 có căn cứ rõ ràng ôn tập. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cần tuyên bố rõ hơn về cách thức ra đề thi
Theo ông, khi đã thống nhất rằng mục tiêu chính của kỳ thi này là tốt nghiệp THPT thì cách thức ra đề thi nên theo hướng nào?
Bộ GD-ĐT cũng đã nêu nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh. Nhưng đó là tuyên bố về mặt nguyên tắc thôi, Bộ vẫn cần những hướng dẫn cụ thể hơn để các thầy cô và học sinh có căn cứ rõ ràng tổ chức ôn tập cho phù hợp. Ví dụ, Bộ tuyên bố nội dung đề thi “chủ yếu là kiến thức lớp 12” thì cũng cần làm rõ nội dung chương trình lớp 12 chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm; còn lớp 10, lớp 11 là bao nhiêu, rơi vào những phần nội dung nào để các trường có hướng tương đối cụ thể.

Ông Phạm Tất Thắng
Điều quan trọng nữa là Bộ cũng cần nêu rõ trong đề thi phần kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp THPT sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu là phần dành cho phân hóa để phân loại năng lực thí sinh và các trường ĐH có thể căn cứ vào đó để xét tuyển… Nhưng dù phân hóa là cần thiết thì đề thi của kỳ thi cũng không nên tiếp tục có những câu hỏi quá khó, đánh đố người học như năm 2018.
Điều quan trọng nhất vẫn là con người
Ông đánh giá thế nào về các giải pháp kỹ thuật mà Bộ GD-ĐT đưa ra cho kỳ thi năm 2019?
Về cơ bản, tôi cho rằng Bộ đã nhận diện được những tồn tại, bất cập, đặc biệt là những lỗ hổng trong một số khâu của kỳ thi năm 2018. Trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp khắc phục tương đối phù hợp. Tuy nhiên, khi đi vào chi tiết thì Bộ cũng cần cân nhắc thêm để có phương án khả thi và hiệu quả. Ngoài tỷ lệ kiến thức trong nội dung đề thi như tôi nói ở trên thì cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng khâu trong kỳ thi. Ví dụ vai trò của các trường ĐH tham gia vào kỳ thi như thế nào, quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng thi các địa phương ra sao… Bộ cần có tính toán cẩn trọng, chi tiết để các bên tham gia vào việc tổ chức kỳ thi đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Khi giao cho nhiều đơn vị cùng tham gia tổ chức kỳ thi mà có chức năng, nhiệm vụ có thể ngang nhau thì điều phối chung, phối hợp thế nào cũng phải tính toán để tránh chồng chéo hoặc không có người chịu trách nhiệm chính.
Những chi tiết khác mà Bộ rất cần lưu ý như chấm thi tập trung ra sao, vận chuyển bài thi như thế nào để đảm bảo an toàn, bảo mật cho bài thi… Những bài thi được chấm ở địa phương (môn thi tự luận) sẽ được chấm như thế nào để đảm bảo tính công bằng với các bài thi trắc nghiệm được chấm tập trung, do Bộ GD-ĐT chỉ đạo trực tiếp. Rồi việc khớp nối kết quả ra sao để đảm bảo sự chính xác trong kết quả thi của thí sinh…
Theo ông, việc điều chỉnh về mặt kỹ thuật như vậy có thể yên tâm rằng kỳ thi sẽ nghiêm túc hay chưa?
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là con người tham gia và các khâu của kỳ thi. Chúng ta tạo ra những cơ chế, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật để hạn chế những tác động chủ quan của con người vào kỳ thi này. Tuy nhiên, yếu tố trung thực, năng lực và trách nhiệm của những người được chọn vào kỳ thi vẫn mang tính chất quyết định đến sự thành bại của kỳ thi.
Thời gian từ nay đến lúc kỳ thi diễn ra không còn dài, Bộ cần chuẩn bị sớm các điều kiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi cho các giải pháp mới mà Bộ đưa ra và công bố sớm với xã hội để các địa phương, các nhà trường chuẩn bị, tạo thế chủ động cho các đối tượng liên quan, nhất là người học.
Ý KIẾN
Quy định rõ tỷ lệ kiến thức từng lớp ngay từ đề minh họa
Chương trình và kiến thức THPT khá rộng nên nếu Bộ chỉ đưa ra thông tin: “Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là lớp 12” thì còn chung chung. Trong khi đó, cách đây 2 năm về trước, khi Bộ cũng quy định kiến thức đề thi tương tự như năm nay, thế nhưng với môn toán chẳng hạn, những nội dung có yêu cầu khó, có tính phân hóa lại rơi vào phần kiến thức lớp 10. Do vậy Bộ nên có định hướng cụ thể tỷ lệ mức độ kiến thức của từng lớp trong đề thi. Trước tiên có thể định hướng ngay trong đề minh họa sắp công bố.
Nguyễn Hùng Khương (Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Nên sử dụng những kiến thức liên thông từ lớp 10 đến lớp 12
Kiến thức của lớp 12 cũng đã hàm chứa lớp 10 và 11 nên thi kiến thức lớp 12 cũng đủ để đánh giá học sinh. Tuy nhiên theo lộ trình, thì năm nay đề thi bao gồm kiến thức THPT. Vì vậy Bộ nên công bố sớm đề minh họa để học sinh và giáo viên không phải hoang mang, chờ đợi.
Trần Trung Kiên (Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh, TP.HCM)
Nên giảm độ khó đề thi
Lẽ ra, việc thay đổi tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp, Bộ phải công bố từ đầu năm học chứ không phải đến nay, khi đã gần như kết thúc học học kỳ 1. Tuy nhiên, khi đã cương quyết thực hiện và thêm vào đó là việc có sự xuất hiện thêm lượng kiến thức lớp 10 trong đề thi nên Bộ cần có sự tính toán để giảm độ khó trong đề thi sắp tới.
Nguyễn Viết Đăng Du (Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)


Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)