Văn là môn thi bắt buộc, đồng thời cũng là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận, do đó, môn này chưa bao giờ là “sự lựa chọn dễ dàng” đối với nhiều học sinh.
Học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lương Thế Vinh trong giờ học môn văn
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên bộ môn, ở môn này học sinh chỉ cần nắm vững cấu trúc của từng dạng bài trong đề thi, tập trung vào các khối lượng kiến thức trọng tâm, sử dụng câu cú trong bài một cách mạch lạc, gãy gọn, đúng ngữ pháp, tránh viết tắt, dùng tiếng lóng… sẽ đạt kết quả cao.
Làm bài phải “đúng trọng tâm”
Theo thầy Trần Văn Đúng (nhóm trưởng Ngữ văn 12 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM), sai sót lớn nhất khi làm văn mà đa số học sinh gặp phải là quá lan man và ôm đồm quá nhiều kiến thức sẽ gây mất thời gian; trong khi đó, để có điểm, bài làm chỉ cần nêu đủ và đúng luận điểm, luận cứ. Phần sáng tạo, trau chuốt trong bài làm chỉ chiếm khoảng 0,5 điểm.
Về phần Đọc hiểu (3 điểm): học sinh cần nắm vững các kiến thức lý thuyết về phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ. Bên cạnh đó cũng cần nắm một số các dạng câu hỏi đọc hiểu khác như xác định biện pháp tu từ; nêu tác dụng của biện pháp tu từ; đặt tựa đề, chủ đề, nội dung chính hay tóm tắt đoạn văn. Trong phần này, ở phần nêu vấn đề, có thể xuất hiện dạng câu hỏi: theo em/theo tác giả/theo văn bản…, học sinh cần chú ý đến từng đối tượng được đề cập trong đề để có hướng khi làm. Cụ thể, nếu là theo em thì học sinh dựa vào chính hiểu biết của bản thân để phản biện; nếu theo tác giả/theo văn bản thì cần bám sát vào câu chữ, đọc đoạn văn và gom ý lại để trả lời.
Một lưu ý nhỏ trong phần đọc hiểu là học sinh khi làm phần này cần phải viết đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, tránh dùng lối trả lời lược bớt, quá ngắn gọn dẫn đến cộc lốc sẽ gây mất thiện cảm cho người chấm bài. Bên cạnh đó, trả lời cũng cần phải đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề, tránh lòng vòng mất thời gian. Đặc biệt là không đi phân tích những gì đã có sẵn trong văn bản.
Ở phần Nghị luận xã hội (2 điểm): Phần này đề yêu cầu là viết đoạn văn có giới hạn số chữ. Tuy nhiên, đa phần học sinh thường nhầm lẫn sang… viết thành bài văn với đầy đủ mở bài, thân bài và kết bài. Đối với phần nghị luận xã hội, các em chỉ cần viết đoạn văn với cấu trúc đảm bảo đúng hình thức của đoạn, đúng yêu cầu nội hàm của đoạn.
Cách thức làm phần này, học sinh không cần dẫn dắt hoặc chỉ cần dẫn dắt 1 câu ngắn gọn và lập tức giới thiệu vào luận điểm. Sử dụng nhiều luận cứ để triển khai luận điểm đó. Các luận cứ đó càng sát với luận điểm bao nhiêu thì đoạn văn càng chặt chẽ. Nếu có đưa dẫn chứng vào thì không cần phân tích. Đồng thời, phải biết rút ra bài học đứng ở góc độ cá nhân (các giải pháp cá nhân). Triển khai đoạn văn, học sinh nên sử dụng phương pháp diễn dịch/ tổng-phân-hợp, tránh gạch đầu dòng, dao động từ 15-20 dòng là đảm bảo. Đặc biệt, tránh triển khai đoạn văn nghị luận theo cấu trúc đưa luận điểm sau đó giải thích, phân tích các mặt, tác dụng, tác hại (đề không yêu cầu)…, đưa ra giải pháp và bài học nhận thức. Vừa dài dòng mà lại không ghi điểm (chỉ có điểm ở phần bài học nhận thức).
Trong phần Nghị luận văn học (5 điểm): Trọng tâm thường có 2 dạng là bình luận ngắn, phân tích, giải mã những chi tiết nhỏ của tác phẩm hoặc đi vào ý nghĩa vai trò chi tiết của tác phẩm tự sự (giống đề minh họa).
Với cả 2 dạng này, khi làm học sinh cần phải tuân thủ chặt chẽ cấu trúc của mở bài, thân bài và kết bài. Trong đó, mở bài chú ý giới thiệu gọn về tác giả (nét riêng biệt, đóng góp nổi bật), phong cách đặc điểm sáng tác, khái quát về hoàn cảnh xuất xứ của tác phẩm. Ở đó có giới thiệu tên tác phẩm/đoạn trích/nội dung và tên tác phẩm. Nêu bật được luận đề của đề yêu cầu. Nếu đề là một nhận định thì cần phải trích nguyên văn nhận định đó. Đặc biệt, phải có thêm phần chuyển ý sang thân bài để bài viết có sự hài hòa. Thao tác này học sinh thường rất yếu. Với mở bài, không cần hay nhưng quan trọng là phải cho người ta biết mình sẽ viết về cái gì, như thế nào (xác định được luận đề, thể loại làm bài). Đối với phần thân bài, triển khai theo các luận điểm xoay quanh nhân vật (tự sự) hoặc hình tượng (thơ). Đặc biệt, phải có phần đánh giá nêu lên được thái độ, thông điệp mà nhà văn đã gửi gắm khi xây dựng nhân vật/hình tượng đó tiêu biểu cho điều gì. Phần kết bài: Đánh giá và nêu cảm nhận chung. Lưu ý đề yêu cầu phân tích gì thì tập trung vào đánh giá vào điều đó. Tránh lạc đề.
Với môn văn, để làm bài đạt điểm cao, học sinh phải có kế hoạch ôn tập khoa học, kiến thức ôn phải có sự trọng tâm (với tác phẩm tự sự thì tập trung vào nhân vật, còn thơ thì tập trung vào hình tượng). Nắm chắc kỹ năng làm bài, không nên viết như nói, không sử dụng ngôn ngữ mạng, không viết tắt số sẽ dẫn đến mất điểm.
Ôn theo sơ đồ tư duy
Thầy Hà Thành Trung (giáo viên môn ngữ văn Trường THCS-THPT Hồng Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, xét về kiến thức thì văn là một môn học có khối lượng kiến thức rất nặng. Khi ôn tập, các em nên chọn những phương pháp ghi nhớ sáng tạo, dùng sơ đồ tư duy để ghi nhớ các dẫn chứng quan trọng và biết cách sắp xếp dàn ý hợp lý, viết bài bằng cả trái tim… thì sẽ đạt kết quả cao.
Ở phần Đọc hiểu, các em chỉ cần chú ý đọc kỹ nội dung của câu hỏi và trả lời đúng theo yêu cầu thì có khả năng đạt điểm trọn vẹn. Dạng đề viết đoạn văn yêu cầu học sinh vẫn viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ về một vấn đề mà ngữ liệu đưa ở phần đọc hiểu, các em lưu ý quy tắc viết đoạn văn đã được rèn luyện ở các lớp dưới. Tránh xuống hàng tùy tiện sẽ trở thành nhiều đoạn văn và tránh viết quá dài vượt dung lượng ảnh hưởng đến thời gian làm bài đối với các câu hỏi khác mà các em chưa hoàn thành. Chỉ cần viết đúng quy tắc viết đoạn văn, lựa chọn cách lập luận phù hợp đối với câu hỏi thì các em sẽ dễ dàng vượt qua ở phần thi này.
Phần Nghị luận văn học là phần các em chú trọng nhiều nhất, tốn công sức nhất. Những năm trước, câu hỏi nghị luận văn học thường thể hiện sự tổng hợp kiến thức, biết vận dụng so sánh, tìm nét tương đồng và khác biệt ở hai tác phẩm. Thì trong năm nay, đề thi mẫu là tìm những ngữ liệu văn học, những khía cạnh của một nhân vật hay tình tiết trong chính một tác phẩm. Học sinh gần như không thể học vẹt, hay chép y nguyên một bài văn mẫu. Đánh giá dạng câu hỏi này là phát huy tính sáng tạo học sinh. Theo đó, các em cần phải ghi nhớ dẫn chứng quan trọng, dùng dẫn chứng một cách sáng tạo. Lập dàn ý trước khi viết, tránh các ý bị trùng lặp, như vậy mới hy vọng bài viết được điểm cao. Tuy nhiên, dạng đề thi này đối với học sinh trung bình và yếu, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi làm bài. Cụ thể là các em thường viết sơ sài, hoặc không sát với yêu cầu của đề bài.
Muốn làm bài văn đạt điểm cao, các em có thể hệ thống các kiến thức tương đồng trong quá trình ôn tập để có thể liên hệ, so sánh trong bài viết.
Yến Hoa
Bình luận (0)