Những điều chỉnh trong tổ chức thi THPT quốc gia 2019 nhất là ở khâu chấm thi được nhiều trường ĐH cho rằng sẽ góp phần tăng cường giám sát, tăng tính minh bạch và giảm thiểu nguy cơ tiêu cực.
Thí sinh thi THPT quốc gia tại TP.HCM năm 2018
Những điều chỉnh quan trọng trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa được Bộ GD-ĐT công bố, trong đó có: Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là lớp 12; trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa bàn mình; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi và quá trình chấm thi; “đánh phách” điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh…
Trường ĐH, CĐ chuẩn bị lực lượng nhiều hơn
TS. Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho rằng, các điều chỉnh ở kỳ thi THPT quốc gia 2019 theo chiều hướng tốt hơn, phòng ngừa sự can thiệp của con người. Trong đó, việc các trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia tổ chức thi tại tỉnh nhà đồng nghĩa với việc các trường ĐH, CĐ sẽ chuẩn bị lực lượng nhiều hơn, nếu vẫn giữ tỷ lệ 50/50.
Việc tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (dự kiến điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích nếu có, tỷ lệ này theo quy chế cũ là 50/50), theo TS. Lý, khi đó “phao cứu sinh” điểm học bạ sẽ giảm mức độ ảnh hưởng. Điểm mới này đồng nghĩa với việc không khuyến khích các trường ưu tiên xét tuyển bằng học bạ, kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn đáng tin cậy hơn.
Việc công bố bảng phân tích kết quả thi trước khi công bố kết quả thi giúp các trường xác định nguồn tuyển chính xác hơn, tránh hiện tượng ảo. Tuy nhiên, ông Lý cũng cho rằng, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào sẽ phụ thuộc vào độ khó đề thi. Do đó, mức độ phân hóa của đề thi rất quan trọng, cần tránh sự biến động quá lớn như 2 năm vừa qua.
Chấm tập trung giúp giảm chi phí đầu tư camera
TS. Lý nhìn nhận: “Việc giao cho trường ĐH chấm thi trắc nghiệm chứng tỏ mục tiêu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia vẫn rất quan trọng và cần độ tin cậy cao để các trường xét tuyển. Theo nguyên tắc, đơn vị chấm sẽ lưu trữ và chịu các trách nhiệm khác. Song, việc này cần cân nhắc thêm như chọn trường có năng lực, phân bố theo cụm… để mục tiêu hiệu quả (kết quả/chi phí) của kỳ thi được bảo đảm”.
Hai điều chỉnh quan trọng là “đánh phách” điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm và đặt camera giám sát đề thi, bài thi, chấm thi… ông Lý cho rằng đây là cách để phòng ngừa. Khi đó, một hay một số cá nhân sẽ không can thiệp được, triệt tiêu sự can thiệp tiêu cực của yếu tố con người.
Đồng quan điểm, ThS. Trương Tiến Sĩ (giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, trong tổ chức thi có 2 khâu quan trọng và dễ phát sinh tiêu cực là coi thi và chấm. Nếu giao hết cho các trường ĐH đảm trách như vậy thì có thể yên tâm vì các trường phần lớn đều đã có nhiều kinh nghiệm. Ngay cả nếu có trường hợp cá biệt phụ huynh muốn can thiệp sửa điểm cho con cũng khó.
ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) góp ý: “Việc tổ chức in sao đề thi nên bố trí thành các điểm in sao tập trung như những năm còn thi “3 chung” và các trường ĐH chủ trì cụm thi chỉ cần nhận bàn giao túi bài thi, bảo mật và chuyển về các điểm thi”. Bên cạnh đó, những điểm thi tại các tỉnh có thể bố trí tập trung theo cụm tương ứng với các huyện và tùy điều kiện thực tế sẽ sắp xếp để có sự “trộn lẫn” thí sinh, tránh việc các em dường như thi tại chỗ. Tất nhiên, theo ông Sơn, khi “trộn”, không nên để các em phải di chuyển đi quá xa.
Trong khâu chấm thi tự luận, trường ĐH kiểm soát chặt việc thống nhất phương án chấm dựa trên đáp án và hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT; đồng thời giám sát cả khâu chấm kiểm tra sẽ ngăn ngừa được tình trạng chấm thi lỏng lẻo. Bên cạnh đó, cũng cần giám sát công tác làm phách, bảo mật phách. Ở chấm trắc nghiệm, nên tập trung lại thành các điểm lớn, chẳng hạn tập trung ở Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Đà Nẵng… Điều này vừa đảm bảo an toàn, vừa giảm thiểu chi phí tổ chức chấm và tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo từ bộ.
“Việc giám sát bằng camera cũng sẽ giúp giảm thiểu được tiêu cực trong công tác chấm. Và việc bố trí chấm tập trung sẽ giảm được chi phí đầu tư camera cũng như nhân sự chấm thi trắc nghiệm…” – ông Sơn nói.
Mê Tâm
Bình luận (0)