Theo phổ điểm các môn toán, văn mà Bộ GD-ĐT vừa trình bày lại hôm nay thì cả nước không có thí sinh nào được 10 điểm văn, còn toán có tới hơn 5.400 em bị điểm 0.
Hôm nay, Bộ GD-ĐT đã trình bày lại phổ điểm các môn toán và văn, do phổ điểm những môn này được công bố hôm qua có điểm xuất phát lệch mất một cột khiến số lượng thí sinh ở các mốc điểm thi bị xê dịch.
Theo phổ điểm được trình bày đúng, môn văn không có thí sinh nào đạt điểm 10 mà cao nhất là 9,75 (7 thí sinh), có 423 em bị điểm 0.
Còn môn toán số điểm 10 giảm xuống còn 86 em (bản đồ họa cũ là 118 em – thực ra đây là số em đạt 9,5 điểm). Nhưng điều khiến nhiều nhà chuyên môn về toán sửng sốt là có đến 5.410 thí sinh bị điểm 0; 6.671 thí sinh đạt 0,5 điểm, 8.586 thí sinh bị điểm 1. Số thí sinh bị điểm liệt môn toán ước tính khoảng 30.000-35.000 em (bao gồm những em đạt mức 0,25 và 0,75 điểm nhưng không được hiển thị trong phổ điểm), chiếm khoảng 3-3,5% so với số thí sinh dự thi.
Trên trang cá nhân của mình, tiến sĩ Trần Nam Dũng, Trường đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng việc có quá nhiều thí sinh bị điểm liệt môn toán là một điều quá đáng lo ngại. “Nếu xem đề thi thì ta sẽ không thể hiểu được vì sao một học sinh đạt điểm trung bình về toán lớp 12 lại không thể kiếm được 1,25 điểm? Có cái gì đó không ổn. Vậy cái không ổn đó ở đâu? Ở cách ra đề? Ở cách dạy? Ở cách ta cứ đẩy học sinh lên lớp trên? Tôi nghĩ trong vài phần trăm thí sinh bị điểm liệt môn toán, sẽ có một phần là không thể học, còn đa phần là không muốn học, không chịu học. Mà cái đa phần đó thì trách nhiệm thuộc về chúng ta, về ngành giáo dục”, tiến sĩ Dũng chia sẻ
Quý Hiên (TNO)
Bình luận (0)