Thông qua 3 đề thi minh họa môn lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2017 của Bộ GD-ĐT, cho thấy kiến thức các câu hỏi dàn trải đều chương trình lịch sử lớp 12. Do đó, thí sinh cần nắm vững kiến cơ bản của chương trình.
Kiến thức các câu hỏi trắc nghiệm phân bố từ dễ đến khó, yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Như vậy, thí sinh phải nắm vững nội dung các chương để có thể khái quát làm tốt bài thi. Ngoài kiến thức giáo viên ôn tập trên lớp, về nhà thí sinh nên ôn theo phương pháp sơ đồ tư duy và giải thêm các đề thi tham khảo. Không nên có suy nghĩ làm trắc nghiệm là hên xui mà lơ là việc học tập. Lưu ý thí sinh tránh học vẹt dễ nhanh quên và không cần học thuộc từng câu. Thay vào đó các em học theo cách đọc hiểu để nhớ được lâu, dễ dàng phân tích, đánh giá lựa chọn kết quả chính xác nhất.
Bất cứ đề thi môn học nào cũng có sự phân hóa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, môn lịch sử cũng không ngoại lệ. Kiến thức phân hóa môn lịch sử chiếm khoảng 1 điểm với 4 câu, thông thường yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Sự vận dụng có thể xoay quanh các sự kiện diễn ra hiện nay. Ví dụ học về biển đảo sẽ có những câu hỏi về tình hình biển Đông hiện nay ra sao? Và để đạt điểm giỏi, ngoài kiến thức sách giáo khoa, thí sinh nên cố gắng để ý thời sự, chính trị thông qua báo đài, ti vi.
Với đề thi minh họa, điểm số phần lịch sử thế giới chiếm 30%, lịch sử Việt Nam chiếm 70%, đặc biệt điểm thể hiện sự nhận biết chiếm đến 60%. Đây là điểm không khó để đạt được nên thí sinh cần phải cố gắng làm tốt để không mất điểm. Trong quá trình làm bài, thí sinh không nhất thiết phải làm theo trình tự từ câu 1 đến câu 40. Trái lại, các em đánh dấu những câu khó để làm vào cuối giờ. Thời gian suy nghĩ, đánh kết quả hơn 1 phút, nếu cứ loay hoay với câu khó sẽ mất nhiều thời gian. Đặc biệt phải đọc kỹ đề thi và 4 câu trả lời vì đề thi trắc nghiệm ngoài yêu cầu chọn câu đúng thì còn yêu cầu chọn câu đúng nhất trong số các câu đúng.
Khi đã hoàn thành cơ bản bài thi, quay lại các câu khó, thí sinh nên tìm từ khóa. Sau khi tìm được từ khóa nhưng vẫn không biết lựa chọn có chính xác không thì nên dùng phương pháp loại trừ. Cố gắng không bỏ câu để tránh mất điểm.
Nguyễn Thị Kim Quyên
(Tổ trưởng bộ môn lịch sử,
Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)
Bình luận (0)