Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi THPT quốc gia môn sinh học: Ôn tập theo từng chủ đề

Tạp Chí Giáo Dục

Tại kỳ thi THPT quốc gia 2015, có khá nhiều thí sinh chọn sinh học là môn thi tự chọn trong 4 môn bắt buộc dùng để xét tốt nghiệp THPT, vì các em cho rằng chỉ cần học thuộc các câu hỏi và câu trả lời trong sách giáo khoa là đủ.

Hơn thế nữa, đây lại là môn thi trắc nghiệm nên chỉ cần học thuộc đáp án, vào phòng thi đọc “từ khóa” trong câu hỏi rồi khoanh vào đáp án đã học thuộc trước đó. Đây là cách học sai lầm vì chỉ cần thay đổi 1 số liệu, đáp án cũng hoàn toàn khác so với ban đầu. Do đó, nếu không hiểu thực chất vấn đề hoặc không biết cách tính toán bài tập đó thì dù có gặp bài tương tự các em cũng không thể giải quyết được. Vì thế, lời khuyên đầu tiên cho các thí sinh khi chọn môn sinh học là: Hãy học một cách thật tâm!

Để ôn tập môn này, các em không nên học theo trình tự sách giáo khoa, học tràn lan mà không theo một trọng tâm nhất định. Đây là cách học vừa tốn thời gian lại không hiệu quả. Thay vào đó, các em nên học theo từng chủ đề. Với mỗi chủ đề, các em nên hệ thống kiến thức dưới dạng sơ đồ, nắm vững ý chính của từng bài; từ ý chính triển khai các ý phụ và khai thác thêm các ý trong sách giáo khoa. Viết ra, nhưng các em cũng phải hiểu nó mới áp dụng được vào bài tập. Do đó, khi viết xong công thức nào, các em nên lấy ví dụ và áp dụng chúng luôn để ghi nhớ. Riêng với phần bài tập, các em phải nắm chắc công thức, tập giải nhiều lần mới giải được một cách chính xác và nhuần nhuyễn khi vào phòng thi, nhất là bài tập dạng di truyền phân tử và di truyền học quần thể. Đối với dạng bài tập quy luật di truyền, các em phải nhận định được bài tập đã cho thuộc quy luật di truyền nào, từ đó có thể dùng phương pháp giải nhanh để ra kết quả, đáp án (không cần viết sơ đồ lai). Tương tự, đối với các bài tập thuộc đột biến, các em cũng phải thông hiểu kiến thức lý thuyết để xác định các dạng đột biến, có thể dùng phương pháp giải nhanh đối với những bài tập đột biến số lượng nhiễm sắc thể.

Sinh học là môn thi trắc nghiệm nên khi vào phòng thi, các em không nên bỏ sót câu hỏi, kể cả câu không thể trả lời được cũng nên chọn một trong các phương án đã cho vì nếu may mắn thí sinh có thể trả lời đúng, còn nếu sai cũng không sao vì không bị trừ điểm. Các em nên làm những dạng câu quen thuộc hoặc câu nắm vững kiến thức trước, câu khó hoặc câu còn nghi ngờ để làm sau. Đặc biệt, các em không nên đọc lướt câu hỏi mà phải đọc kỹ từng chi tiết, có thể dùng bút để gạch những điểm cần chú ý nhằm tránh bỏ sót dữ kiện. Với những câu đã tính toán mà còn nghi ngờ, các em có thể dựa vào đáp án đã cho, thử thay bằng các dữ kiện để tìm ra đáp án đúng. Lưu ý: Đối với những bài tập quá khó so với khả năng học của mình, các em không nên mất nhiều thời gian với những bài tập này vì giá trị điểm mỗi câu là ngang nhau.

Nguyễn Thái Vũ
(Giáo viên môn sinh học Trường
THCS-THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM)

Bình luận (0)