Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi THPT quốc gia môn toán: Vận dụng thành thạo các chủ đề trong sách

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là năm thứ hai Bộ GD-ĐT thực hiện kỳ thi “2 trong 1”, lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Cấu trúc đề thi môn toán vài năm gần đây đã định hình rõ về nội dung cũng như sự phân hóa, không có sự đánh đố thí sinh.

Học sinh lớp 12 trong tiết học môn toán. Ảnh: Anh Khôi

Theo thầy Phan Thanh Thuận (giáo viên môn toán Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng), để giúp các em học sinh ôn tập có hệ thống và hiệu quả, trước tiên giáo viên bộ môn phải xây dựng chương trình ôn tập cụ thể (gồm những trọng tâm của kiến thức môn toán trong ba năm THPT). Khi ôn tập phải bám sát cấu trúc đề thi những năm gần đây; nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa lớp 12. Ví dụ, về giải tích chú trọng khảo sát hàm số, số phức. Đây là hai dạng bài tương đối dễ lấy điểm và dễ làm nên cẩn thận để ghi điểm, đừng để xảy ra sai sót. Phần toán hình học chú ý nắm vững các dạng bài về phương pháp tọa độ trong không gian; hàm số lượng giác; tổ hợp… Ngoài ra cần chú ý nắm vững kiến thức lớp 10 và 11 như hàm số lượng giác; phương pháp tọa độ trong mặt phẳng… Với một số kiến thức nếu bị quên thì các em nên vào các bài giảng Elearning theo hướng dẫn của giáo viên (từ nguồn tài nguyên của Sở GD-ĐT và Bộ GD-ĐT) để tham khảo, bổ sung kiến thức; tham khảo trên các kênh truyền thông để tìm hiểu, tự học. Đây là những nguồn tài nguyên kiến thức mà học sinh có thể học bất cứ thời gian nào trong ngày. Về kỹ năng làm bài: khi vào phòng thi các em phải bình tĩnh, làm các bài dễ trước. Với bài toán khó, nếu làm được ý gì thì vẫn thể hiện hết hiểu biết của mình. Hiểu đến đâu làm đến đó. Quá trình làm bài thi phải cẩn thận, phải dò, phải kiểm tra, đồng thời phân bố thời gian làm các câu hỏi cho hợp lý… Như vậy mới có thể đạt được điểm cao.

“Học đến đâu, ôn tập đến đó. Sau khi kết thúc học kỳ 2, bước vào những ngày ôn tập chuẩn bị thi thì thống kê lại, bổ sung các kiến thức còn hổng. Trong quá trình ôn tập, cần hướng đến mục tiêu giúp học sinh có phương pháp tư duy logic về tổng hợp các dạng bài để không bị lúng túng, không nên chỉ gặp bài nào thì giải quyết bài đó”, thầy Nguyễn Ngọc Phương (Tổ trưởng bộ môn toán – tin Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng) chia sẻ. 

Tương tự, theo thầy Nguyễn Ngọc Phương (Tổ trưởng bộ môn toán – tin Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng), muốn đạt được kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới thì việc ôn tập phải bám sát hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, tập trung chú trọng chương trình sách giáo khoa lớp 12 và sách bài tập. Giáo viên bộ môn phải hướng dẫn cho học sinh nắm vững kiến thức lý thuyết, công thức, nghiên cứu kỹ và thực hành thuần thục các dạng bài tập, những ví dụ trong sách giáo khoa. Đặc biệt, nắm vững và vận dụng thành thạo các chủ đề trong sách giáo khoa, nội dung chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT, như: chủ đề đồ thị hàm số; lũy thừa, hàm số mũ và hàm số logarit; số phức; nguyên hàm; phương pháp tọa độ trong không gian… Trong quá trình ôn tập có sự phân loại năng lực học sinh để đưa ra đề bài phù hợp nhằm giúp các em đạt được điểm số như mong muốn tùy vào khả năng của mình. Ví dụ một học sinh có học lực giỏi, ngoài việc nắm chắc kiến thức thì ôn luyện những dạng bài nâng cao để tìm kiếm điểm tuyệt đối; còn với học sinh có học lực trung bình thì nắm vững kiến thức cơ bản và luyện để lấy thêm phần điểm khá cho chắc chắn trước khi hướng đến các đề thi có mức độ cao hơn… Ngoài chương trình sách giáo khoa và sách bài tập, các em cần làm thêm nhiều dạng đề thi của các năm trước. Hoặc tìm kiếm có chọn lọc các dạng đề thi trên các nguồn tư liệu ở mạng internet để làm thêm. Đồng thời có sự đối sánh giữa kết quả đáp án của Bộ GD-ĐT, nghiên cứu phương pháp giải bài tập… Theo thầy Phương, việc ôn tập cần được thực hiện thường xuyên, không nhất thiết phải dành hết thời gian cho môn toán nhưng phải phân chia hợp lý thời gian học tập để tránh quên kiến thức, hoặc học nhiều môn này dẫn đến lơ là môn khác. Trong quá trình ôn tập các em cần nắm vững kiến thức căn bản một cách có hệ thống, ghi nhớ chính xác các công thức. Chú ý, trong đề thi vài năm trở lại đây có 30-40% câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 10 và 11, vì vậy trong quá trình ôn tập, các em cần chú trọng luyện thêm các bài tập ở chương trình này để tránh mất điểm đáng tiếc.           

Về kỹ năng làm bài thi, thầy Phương cho biết, trước hết các em cần chuẩn bị tâm lý thật thoải mái, không vội vã. Sau khi đọc lướt qua đề thi, chọn bài dễ làm trước, bài khó làm sau. Đối với bài khó, không chắc chắn, ví dụ như hình học thì vẽ thử hình lên giấy nháp, xác định các mối liên hệ, tìm cách giải đúng sau đó mới ghi vào bài làm để tránh sai sót, đồng thời giữ gìn sạch sẽ bài thi.

Hàn Giang (ghi)

Bình luận (0)