Cấu trúc và nội dung ôn tập trong đề thi môn ngữ văn THPT quốc gia 2018 có nhiều thay đổi. Trong hơn 2 tuần trước kỳ thi, học sinh cần tập trung xem lại các vấn đề trọng tâm có thể xuất hiện trong đề thi. Dưới đây là một số lưu ý để việc ôn tập trở nên hiệu quả hơn.
Một tiết học môn văn của học sinh lớp 12. Ảnh: Anh Khôi |
Phần đọc hiểu: Nắm vững kiến thức cơ bản về tiếng Việt, làm văn
Trước hết phải nhận diện được mức độ của các câu hỏi. Theo đó, các câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp từ dễ đến khó, theo các mức độ: Nhận thức (câu trả lời nằm trong văn bản; chú ý lại nhan đề, nguồn trích dẫn, câu chủ đề, các từ khóa); thông hiểu (câu trả lời nằm trong văn bản nhưng phải suy nghĩ và tìm kiếm để có câu trả lời; cần chú ý các câu hỏi về nội dung văn bản, ý nghĩa câu nói; hiệu quả hay tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ, chi tiết, hình ảnh… trong văn bản); vận dụng (cần kết hợp tri thức nền tảng về vấn đề với thông tin tác giả đã cung cấp để đi đến suy luận về câu trả lời; vận dụng sự nhận biết, thông hiểu của bản thân để giải quyết, xử lí một tình huống; bày tỏ ý kiến, nhận xét, đánh giá tư tưởng, thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản; đề xuất ý kiến…). Điều cần chú ý là phải nắm được những hình thức câu hỏi tương ứng với các mức độ nhận thức nêu trên để vận dụng làm bài cho hiệu quả.
Kế đến là cần nắm vững các kiến thức cơ bản để vận dụng trả lời câu hỏi đọc hiểu. Trong đó cần nắm vững một số kiến thức cơ bản về tiếng Việt, làm văn: 6 phong cách ngôn ngữ, 6 phương thức biểu đạt, 6 thao tác lập luận, 3 cách dẫn dắt ý (diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp; 6 bút pháp (hiện thực, lãng mạn, trữ tình, triết lý, tượng trưng, lạ hóa); 4 cách trần thuật (ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai, ngôi thứ ba và ngôi thư ba gián tiếp – tác giả hòa vào nhân vật kể chuyện); 2 thời gian trần thuật; các biện pháp tu từ (các biện pháp tu từ về từ: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, nói giảm, cường điệu; các biện pháp tu từ ngữ âm: điệp âm, điệp vần, điệp thanh; các biện pháp tu từ cú pháp: lặp cú pháp, liệt kê, chêm xen…)… Ngoài ra, cần chú ý các yếu tố hình thức khác như nhận diện các yếu tố hoặc phương tiện ngôn ngữ khác như thể thơ, cách ngắt nhịp, từ ngữ, hình ảnh… trong văn bản.
Vì đề bài kiểm tra kỹ năng đọc hiểu nên các em cần trả lời ngắn gọn, đủ ý, hệ thống, trình bày trực tiếp vào vấn đề, tránh lối viết lan man có thể mất điểm. Trong đó chú ý ở câu hỏi vận dụng thấp: chỉ cần trả lời ngắn gọn, không yêu cầu viết thành đoạn văn.
Viết đoạn văn NLXH: Đảm bảo dung lượng và yêu cầu về nội dung, hình thức
Đối với câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (NLXH), học sinh cần nắm vững kỹ năng. Trong đó các em phải nắm được cấu trúc của một đoạn văn: câu mở đoạn (giới thiệu vấn đề, trích dẫn câu nói/ nhận định…); các câu phát triển đoạn (tùy vào yêu cầu đề mà vận dụng các thao tác lập luận cho phù hợp. Các thao tác lập luận thường vận dụng là giải thích, phân tích, bình luận, bác bỏ); câu kết đoạn (rút ra bài học; đưa ra một thông điệp hay một lời khuyên cho mọi người). Trong khi viết đoạn văn, có thể đưa vào một vài dẫn chứng thực tế để làm sáng tỏ vấn đề, tăng thêm sức thuyết phục cho lập luận. Lưu ý khi đưa dẫn chứng vào, không kể lan man mà nên thuật lại một cách ngắn gọn, nhấn mạnh khía cạnh ứng dụng của dẫn chứng đối với vấn đề đang chứng minh. Đưa dẫn chứng phải kèm theo thái độ, quan điểm đánh giá rõ ràng.
“Lời khuyên dành cho học sinh trước kỳ thi đó là: cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về tiếng Việt, làm văn, lý luận văn học cùng với việc nắm vững nội dung – nghệ thuật các tác phẩm đã học ở lớp 11, 12 và thành thạo trong việc vận dụng kỹ năng làm bài của các dạng đề. Hơn thế, các em cần kiên trì ôn tập, phát huy khả năng tư duy hơn là sự ghi nhớ đơn thuần và hãy luôn có niềm tin vào chính mình”, ThS. Lê Thanh Vân nhắn nhủ. |
Về hình thức đoạn văn NLXH nên triển khai theo trình tự lập luận diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp. Học sinh chú ý câu chủ đề; các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, bình luận. Phần rút ra bài học phải chân thành, thiết thực, nghiêm túc, tránh lối viết khuôn mẫu, sáo rỗng, gượng ép. Học sinh có thể tìm ý bằng cách trả lời câu hỏi (Là gì? Tại sao? Làm thế nào?). Bên cạnh đó, các em có thể luyện viết đoạn theo chủ đề. Một số chủ đề quan trọng là các phẩm chất mà người học sinh trong xã hội hiện đại cần hướng tới như dũng cảm, trung thực, khiêm tốn, bao dung, yêu thương; biết chia sẻ; sống tử tế, trách nhiệm; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi…
Phần NLVH: Trọng tâm kiến thức ở lớp 12, có tích hợp thêm lớp 11
Phần nghị luận văn học (NLVH) sẽ có sự phân hóa cao, học sinh cần tập trung thời gian ôn tập phần này thật kỹ. Trước hết là nắm vững kiến thức cơ bản về các tác phẩm đã học. Tuy đề thi năm nay có sự tích hợp của chương trình lớp 12 và lớp 11 nhưng trọng tâm kiến thức vẫn nằm ở lớp 12 với cả thơ và văn xuôi. Trong đó, văn xuôi chú ý những tác phẩm như Ai đã đặt tên cho dòng sông, Người lái đò sông Đà, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu, Chiếc thuyền ngoài xa, Hồn Trương Ba da hàng thịt. Phần thơ có Tây Tiến, Việt Bắc, Sóng, Đất nước. Đối với chương trình lớp 11, học sinh nên chú trọng vào những tác phẩm nổi bật như Chí Phèo, Chữ người tử tù, Hai đứa trẻ, Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, Vội vàng, Đây thôn Vĩ Dạ, Tràng giang, Từ ấy, Chiều tối.
Kế đến là ôn luyện kỹ các dạng đề trọng tâm: Nghị luận về một bài thơ/ đoạn thơ; nghị luận về một khía cạnh của bài thơ, đoạn thơ; nghị luận về tác phẩm, đoạn trích văn xuôi; nghị luận về một nhân vật; nghị luận về một khía cạnh nội dung (nghệ thuật) của một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi; nghị luận về đoạn văn (hay một cảnh tượng, chi tiết) đặc sắc của một phẩm, đoạn trích văn xuôi; nghị luận về ý kiến bàn về văn học. Mỗi dạng đề có cách triển khai ý khác nhau. Song nhất thiết các em phải nắm vững cách thức làm bài, tức là tìm hiểu, đánh giá về nội dung, nghệ thuật tác phẩm thơ hoặc truyện đó. Khi làm bài, học sinh không thể không chú ý tới đặc trưng thể loại, nhất là thể loại truyện. Khác với tác phẩm trữ tình, tác phẩm tự sự phản ánh đời sống qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một người kể chuyện nào đó. Vì vậy, khi tìm hiểu thể loại này, phải chú ý các yếu tố cốt truyện, nhân vật, lời kể trong truyện. Nói chung là học sinh cần tìm hiểu và nắm đặc trưng của các thể loại vì cách làm bài đối với mỗi thể loại có sự khác nhau nhất định.
ThS. Lê Thanh Vân
(giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên, TP.HCM)
Bình luận (0)