Ông Phạm Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho rằng trường hợp thí sinh (TS) trường chuyên, đạt 24 điểm xét tuyển ĐH nhưng có môn bị 1 điểm trong kỳ thi năm 2018 dù đã xin phúc khảo với mong muốn chỉ cần được thêm 0,25 điểm nữa, nhưng kết quả sau phúc khảo vẫn giữ nguyên. Do đó, TS này đã trượt tốt nghiệp và mất cơ hội trúng tuyển ĐH, dù so với điểm chuẩn là thừa. “Đây là bài học nhắc nhở TS và các nhà trường không thể chủ quan, lơ là ở kỳ thi năm nay”, ông Toàn cảnh báo.
Chính vì vậy, ông Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình), thông tin ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch nhằm đảm bảo 100% học sinh (HS) tốt nghiệp và có điểm xét tuyển ĐH cao, như việc chủ động lựa chọn giáo viên tốt nhất, để chăm lo, bồi dưỡng cho khối lớp này. Nhà trường thường xuyên tổ chức các kỳ thi, kiểm tra nhằm phân loại, sàng lọc. “Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp để bồi dưỡng những HS có nguy cơ bị điểm liệt, dù đối tượng này không nhiều”, ông Thuyết nhấn mạnh.
Không được tổ chức ôn tập quá tải
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, lưu ý có những nơi quá lo lắng, tổ chức cho HS học ngày, học đêm. Tuy nhiên, trong công văn hướng dẫn, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tổ chức ôn tập nghiêm túc, hiệu quả nhưng không quá tải, không làm ảnh hưởng tới sức khỏe và gây tâm lý căng thẳng không cần thiết cho HS. Số HS năm ngoái đã hoàn thành chương trình nhưng chưa tốt nghiệp thì các trường quan tâm, tiếp nhận vào ôn tập tại trường.
|
|
Quyết định này được đưa ra vì theo ông Thuyết, tình trạng học lệch ở trường vẫn diễn ra. Một số HS chọn tổ hợp khoa học tự nhiên không học các môn xã hội, và ngược lại. Có những HS chỉ tập trung vào môn sẽ xét tuyển ĐH. Do vậy, dù Yên Khánh A là trường top đầu của tỉnh, trong đợt thi thử vừa qua, áp với quy chế xét tốt nghiệp thì trường vẫn có tới 13 HS trượt tốt nghiệp. Những con số này buộc trường không được chủ quan.
Tại Hà Nội, một số trường tốp đầu cũng lo ngại điều này. Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết năm trước trường có 2 trường hợp trượt tốt nghiệp đều do bị điểm liệt môn lịch sử, một môn mà HS đăng ký thi để xét tốt nghiệp.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biết qua quan sát và kiểm tra tình hình ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi, cho thấy nhiều địa phương, nhiều nhà trường đặc biệt quan tâm tới đối tượng HS có học lực còn yếu và kém. Nhiều trường phân nhóm HS theo năng lực học tập để có biện pháp dạy học phù hợp, do vậy kết quả rất khả quan và thực chất.
Liệu có tình trạng “phóng tay cho điểm”?
Một trong những thay đổi quan trọng trong kỳ thi năm nay là việc tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của TS thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây) để tăng ý nghĩa, tính chất của kỳ thi. Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại một số trường sẽ “phóng tay” cho điểm của HS lớp 12 thật cao để giúp “bù” lại tỷ lệ xét điểm học bạ bị giảm xuống so với mọi năm.
Trước lo ngại này, ông Vũ Đình Chuẩn khẳng định Bộ đã lường trước điều này và có biện pháp kiểm tra sát sao. Việc yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hồ sơ sổ sách, trong đó có hệ thống sổ điểm, sẽ giúp kiểm soát được việc sửa điểm vì hệ thống sẽ lưu vết toàn bộ quá trình nhập điểm, sửa điểm. Bên cạnh đó, từ lâu nay, Bộ vẫn theo dõi kết quả học tập hằng năm các địa phương báo cáo. Những nơi có tỷ lệ HS giỏi cao bất thường so với quá trình dạy học thì sẽ được xem là một dấu hiệu cần xem xét, kiểm tra.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)