Trong hai ngày 22 và 23-11-2008, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD), Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị – tập huấn công tác khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục phổ thông năm 2009. Vấn đề thi tốt nghiệp THPT năm 2009 đã được đại biểu các tỉnh thẳng thắn đưa ra trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Bộ. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long khẳng định, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 ngành giáo dục phải làm thật nghiêm túc như thi tuyển sinh ĐH.
7 tỷ đồng để có 53 học sinh tốt nghiệp THPT!
TS. Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2008, tỷ lệ tốt nghiệp toàn quốc sau 2 lần thi là 86,04%. Trong đó, có nhiều tỉnh đã có “cú lội ngược dòng” ngoạn mục như Tuyên Quang, Sơn La… Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng KT&KĐCLGD, Sở GD-ĐT Đồng Nai khẳng định “Sở đã oằn lưng tăng được 1% tỷ lệ tốt nghiệp THPT”. Năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp của Đồng Nai đạt 83,7%, năm 2008 tỷ lệ này là 84,7%. Còn đối với Khánh Hòa, so với năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh không những không giữ được vị trí “trụ hạng” thuộc top 10 mà đã “tụt” xuống vị trí thứ 29 trên bảng xếp thứ tự của Bộ. Trưởng phòng KT&KĐCLGD của Sở GD-ĐT Khánh Hòa lý giải số học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm học 2007 – 2008 chính là lứa học sinh THCS đã đỗ tốt nghiệp THCS năm học 2004 – 2005 với tỷ lệ 66,7%. Một tỷ lệ tốt nghiệp “lạ” trong ngành giáo dục cách đây 4 năm. “Sở GD-ĐT Khánh Hòa mà chủ yếu là cán bộ, chuyên viên Phòng Trung học phổ thông trước đây của chúng tôi đã phải “giải trình” cho cấp trên không biết bao nhiêu lượt về tỷ lệ tốt nghiệp THCS này. Rất may, dư luận xã hội đã đứng về phía chúng tôi” – vị trưởng phòng này nói. Không những thế, năm 2007, năm đầu tiên tỉnh Khánh Hòa có học sinh phổ cập dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT. Toàn tỉnh có 740 học sinh phổ cập dự thi tốt nghiệp và chỉ có 53 học sinh đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 7,16%. Để có 53 học sinh đỗ này, sở đã đầu tư 7 tỷ đồng.
Đã đến lúc không cần đến thanh tra ủy quyền của Bộ?
Tại hội nghị – tập huấn, lãnh đạo các sở cũng đưa ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Ông Lê Duy Vị, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên đề nghị Bộ nên quy định thống nhất phần mềm quản lý thi. Văn bản chỉ đạo Bộ nên ban hành sớm và Bộ cũng nên hết sức thận trọng khi ra đề thi. Đặc biệt, ông Vị nhấn mạnh, việc điều động thanh tra ủy quyền phải có nghiệp vụ. “Có thanh tra ủy quyền về sở, tôi gặp mới biết đó là giáo viên tiểu học cũ của mình được chuyển lên trường ĐH để làm ở phòng đào tạo rồi được cử đi làm thanh tra ủy quyền. Thanh tra ủy quyền theo tôi, chí ít cũng phải bằng hoặc hơn người coi thi một “cái đầu” chứ đừng thấp hơn” – ông Vị bức xúc nói. Ông cũng đặt câu hỏi “có nên có thanh tra ủy quyền của Bộ nữa không? Ông Vị phân tích: Sau hai năm thực hiện, như thế đã đủ. Thuốc kháng sinh dùng nhiều quá cũng sẽ dẫn đến nhàm. Bản thân chúng tôi cũng nhận thức được rằng bây giờ chạy theo thành tích cũng vô tác dụng. Cái gốc vẫn là nhận thức của nhà trường.
Đối với thi vào lớp 10, lãnh đạo Phòng KT&KĐCLGD Sở GD-ĐT Khánh Hòa đề nghị Bộ nghiên cứu lại điểm khuyến khích cộng thêm đối với kỳ thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Nên chăng bỏ chính sách khuyến khích này vì hiện nay chất lượng “thật” của nghề phổ thông cũng cần xem xét lại, không nên vì mục đích duy trì phong trào học nghề phổ thông mà đưa vào qui chế thi để làm công cụ thực hiện. Đồng thời, hạ thấp mức điểm khuyến khích trong việc tính điểm theo kết quả rèn luyện và học tập các năm cấp THCS khi thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng hình thức xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Thực tế nhiều tỉnh thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng hình thức xét tuyển cho thấy: học sinh vùng ven “đánh bạt” học sinh nội thị tuy chất lượng thực tế học sinh ở các vùng này khác nhau rất xa.
Nghiêm Huê
Trao đổi với báo chí về xung quanh vấn đề thi tốt nghiệp THPT năm 2009, TS.Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục KT&KĐCLGD cho biết:
Quy chế thi có sửa đổi và những sửa đổi theo hướng ngày càng siết chặt. Có sở nói không cần thanh tra ủy quyền là không được. Không chỉ cần thanh tra ủy quyền mà còn phải tăng cường hơn nữa. Điều 18 trong quy chế thi sửa đổi là bỏ giám thị 3 (giám thị ngoài hành lang), thay vào đó là tăng cường đội ngũ thanh tra ủy quyền. Nếu năm 2008, 7 phòng thi có 1 thanh tra ủy quyền thì năm 2009, dự kiến sẽ là 5 phòng thi có 1 thanh tra ủy quyền. Như vậy, trong khi thi, ngoài 2 giám thị coi thi trực tiếp trong phòng thi, ở ngoài chỉ có lực lượng thanh tra. PV: Thưa ông, trong trường hợp thí sinh xin ra ngoài thì giải quyết như thế nào nếu không có giám thị số 3? – Trong khi thi, hạn chế thí sinh ra ngoài, hơn nữa, số lượng thí sinh này cũng rất ít. Trường hợp bất khả kháng thì lực lượng giúp giám thị chính là thanh tra. Một số sở GD-ĐT phản ánh nghiệp vụ của thanh tra ủy quyền nhiều trường không có, ông giải thích sao? – Một lúc làm ngay được thì khó. Chúng tôi cũng đã xuất bản một cuốn tài liệu để tập huấn cho các cán bộ chủ chốt của các sở, các trường. Bằng cách đó thì thanh tra sẽ dần dần quen và sẽ không cử những người không biết nghiệp vụ thanh tra đi coi thi. Trường nào cử những người chưa biết là tắc trách, phải cử những người biết đi, cử những người đi cho vui thì không được. Thưa ông, năm 2008, có sự vênh nhau giữa tài liệu hướng dẫn ôn tập và đề thi. Năm nay, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào? – Tôi xin nói lại là tài liệu hướng dẫn chỉ là hướng dẫn và không có tài liệu hướng dẫn nào có giá trị hết. Cấu trúc đề thi mới là căn cứ để ra đề. Xin cảm ơn ông!
|
Bình luận (0)