Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp 2010: Phân cấp mạnh về các sở GD-ĐT

Tạp Chí Giáo Dục

 

Ngày 14-4, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo – tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2010 khu vực các tỉnh miền Bắc. Tại hội thảo, sau khi nghe báo cáo của Cục KT&KĐCLGD và Thanh tra Bộ GD-ĐT, đại diện các sở GD-ĐT vẫn còn nhiều băn khoăn xung quanh vấn đề thi, chấm thi và thanh tra.
Ngoại ngữ: thi đề 3 năm hay 7 năm
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng hỏi, đối với những trường không lựa chọn môn thi thay thế mà vẫn thi tiếng Anh thì môn ngoại ngữ có mấy đề? (đề 3 năm và đề 7 năm). Nếu có hai đề, những trường học chương trình 7 năm có thể xin thi đề 3 năm được không? Cùng quan tâm đến vấn đề thi môn thay thế, ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An hỏi: Trong những trường thi đề 3 năm có một bộ phận nhỏ thí sinh muốn thi đề 7 năm để thử sức mình thì sẽ giải quyết ra sao? Trước câu hỏi của các đại biểu trên, đại diện Cục KT&KĐCLGD cho biết bộ sẽ xem xét và có phương án gửi đến các sở sau.
Ngoài vấn đề môn thi thay thế, lãnh đạo các sở cũng quan tâm đến vấn đề kinh phí chấm bài cho năm nay. Về vấn đề này, Cục KT&KĐCLGD cho biết, Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị trình Bộ Tài chính xin kinh phí chấm thi bài tự luận năm nay lên 7.000đ/ bài. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở dự trù khoản kinh phí để đề xuất. Nhiều sở cũng cho rằng, bộ cần bố trí cung đường đi phù hợp để các sở vận chuyển bài thi được thuận tiện hơn.
Thanh tra ủy quyền không còn “cắm chốt”
Một hai năm học trước, thanh tra ủy quyền được Bộ GD-ĐT “rải” đều tại các hội đồng thi nhưng năm nay lực lượng này mỏng hơn rất nhiều. Theo ông Lê Quang Hưởng, Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, năm nay, bộ sẽ tăng thêm trách nhiệm cho các sở GD-ĐT. Theo đó, sẽ không còn lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT cắm chốt tại các địa phương như những năm trước. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ chỉ có 2-3 đoàn thanh tra lưu động của Bộ GD-ĐT với tính chất kiểm tra đột xuất. Do lực lượng thanh tra ủy quyền của bộ rút khỏi các hội đồng thi nên sẽ tăng cường trách nhiệm thanh tra của sở GD-ĐT, nếu năm rồi 15 phòng thi mới có một cán bộ thanh tra của sở GD-ĐT thì năm nay tỷ lệ này là 10 phòng thi có một thanh tra. Việc kiểm tra hồ sơ của học sinh cũng được giao cho các sở. Vì năm nay, hồ sơ của học sinh không lưu tại các hội đồng thi mà lưu tại các trường và các trung tâm giáo dục thường xuyên. Hiệu trưởng có trách nhiệm trong việc lập hồ sơ thí sinh được hay không được dự thi. Lực lượng thanh tra bộ ủy quyền vẫn có nhưng số lượng ít hơn so với trước rất nhiều. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một đoàn thanh tra gồm trưởng đoàn và từ 5 đến 10 thành viên. Đặc biệt, đoàn thanh tra chấm thi sẽ trực tiếp chấm thanh tra khoảng 5% tổng số bài thi (bài đã được hai giám khảo chấm độc lập và thống nhất điểm) để phát hiện những trường hợp vận dụng đáp án, biểu điểm chưa chính xác, cộng nhầm điểm, bỏ sót ý hoặc bỏ qua những dấu hiệu vi phạm khác. Mỗi đoàn thanh tra chấm thi tại các tỉnh sẽ gồm hai người, riêng đoàn thanh tra chấm thi tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, thủ đô Hà Nội, TP.HCM cử ba người vì đây là những tỉnh có số lượng bài dự thi lớn. Được biết, ngày 19-4 tới, các tỉnh khu vực phía Nam sẽ được Bộ GD-ĐT tập huấn thi tốt nghiệp 2010.
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)