Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thi tốt nghiệp THPT 2009: Chấm thi theo hướng bảo vệ quyền lợi thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có công văn hướng dẫn bổ sung về việc cho phép chấm bình thường những bài thi làm nhầm phần đề riêng.

Ông Trần Văn Nghĩa -Ảnh: T.HÀ

Ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD-ĐT, cho biết thêm:
– Quy chế quy định “thí sinh học chương trình nào làm phần riêng phù hợp với chương trình đó” thực chất là để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và giúp các em có định hướng từ giai đoạn ôn thi. Nhưng trên thực tế vẫn có những thí sinh làm phần đề riêng không phù hợp với chương trình được học và đăng ký của thí sinh từ trước.
Chúng tôi đã cân nhắc nhiều và có hướng dẫn bổ sung cho phép các hội đồng chấm thi vẫn chấm các bài thi mà thí sinh làm nhầm phần riêng. Đây là năm đầu tiên thực hiện nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh thiệt thòi cho thí sinh nên sẽ không đặt ra vấn đề phạt thí sinh (không chấm điểm phần thí sinh vi phạm).
* Nhưng xử lý như vậy không đúng với quy định trong quy chế và có thể gây thiệt thòi cho những thí sinh làm đúng phần riêng đã đăng ký?
– Quy chế quy định thí sinh phải làm phần riêng phù hợp với chương trình được học, nhưng không đưa ra chế tài nên không thể nói là vi phạm quy chế. Quan điểm của Bộ GD-ĐT trong vấn đề này là xử lý theo hướng bảo vệ quyền lợi của thí sinh. Chỉ những thí sinh làm cả hai phần riêng thì không được chấm điểm phần riêng. Việc thí sinh vì một lý do nào đó mà làm phần riêng lệch với chương trình được học chưa chắc đã có lợi hơn những thí sinh làm đúng phần riêng của mình. Vì thi những gì nằm trong chương trình được học, được ôn tập kỹ chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho thí sinh.
* Theo phản ảnh của thí sinh và phụ huynh, ở một số trường THPT trong giai đoạn ôn thi giáo viên đã hướng dẫn học sinh nên làm theo phần riêng của chương trình chuẩn, vì câu hỏi sẽ dễ hơn phần riêng nâng cao. Trong kỳ thi, có giám thị cũng khuyên thí sinh học chương trình nâng cao cũng nên làm phần riêng chương trình chuẩn. Theo ông, những cán bộ cố ý hướng dẫn thí sinh làm sai có bị xử lý không?
– Nếu giám thị coi thi cố ý làm sai quy chế phải chịu kỷ luật nghiêm khắc.
* Ngoài việc thí sinh làm nhầm phần đề riêng, các hội đồng thi phản ảnh còn có các trường hợp thí sinh không thực hiện đúng quy chế như sử dụng bút tẩy trắng, bút chì hoặc sử dụng hai loại bút với hai thứ mực khác nhau để làm bài thi, việc này phải xử lý thế nào?
– Bộ GD-ĐT đã có công văn khẩn gửi các sở GD-ĐT hướng dẫn tiếp về vấn đề phát sinh này. Theo đó, các hội đồng chấm thi phải tổ chức chấm chung tất cả bài thi có dấu hiệu bất thường, trong đó không chấm phần thí sinh làm bài bằng các loại bút trái với quy định.
Riêng những bài thi thí sinh dùng bút chì để vẽ biểu đồ, vẽ hình (ngoài việc vẽ hình tròn) nếu có số lượng lớn, chiếm tỉ lệ cao trong tổng số bài thi của hội đồng chấm thi thì vẫn tiến hành chấm bình thường để đảm bảo tiến độ, nhưng phải tăng cường giám sát và kiểm tra xác suất việc chấm các bài này. Các hội đồng chấm thi phải có văn bản thống kê, đánh giá tình hình thí sinh vi phạm quy chế như ở trên để gửi về sở GD-ĐT có bài thi và gửi về Bộ GD-ĐT để rút kinh nghiệm.
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện (TTO)

 

Bình luận (0)