Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT 2009: Những điều thí sinh cần biết trước khi thi

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT thông tin: “học ban nào thi ban đó”, nhưng mọi việc không đơn giản khi ngay trong mỗi ban có chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Những ngày qua, đông đảo phụ huynh và thí sinh (TS) băn khoăn trước những thông tin về việc đăng ký ban dự thi; chọn đề thi chung và riêng như thế nào khi làm bài? Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với NGƯT Nguyễn Văn Ngai (ảnh), Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM để làm rõ vấn đề nói trên.
PV: Thầy có thể nói rõ việc học chương trình nào thi chương trình đó để có thể giúp TS chọn đúng đề thi theo yêu cầu?
NGƯT Nguyễn Văn Ngai: Năm nay, năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo ban, sau khi cả nước thực hiện phân ban đại trà. Phòng thi TS sẽ ngồi theo ban (ban KHTN, ban KHXH và ban cơ bản); theo ngoại ngữ và theo thứ tự A, B, C… Đối với hai ban KHTN và KHXH học theo chương trình chuẩn và nâng cao đã được quy định khá rõ ràng, theo tinh thần học ban nào thi ban nấy. Riêng ban cơ bản dù trên thực tế chia theo nhóm và khối thi đại học. Nhưng với ban này ngoài chương trình chuẩn cũng có chương trình nâng cao. Theo quy định khi làm hồ sơ đăng ký dự thi TS phải ghi đầy đủ chương trình chuẩn và môn nâng cao. Đối với ban cơ bản việc học sinh chọn môn nâng cao không đồng nhất. Có học sinh chọn một môn, có em lại chọn hai môn và cũng có em lại chọn ba môn. Và khi đăng ký TS đăng ký các môn học nâng cao, nhưng có thể chọn một môn trong ba môn đăng ký.
Đề thi có hai phần chung và riêng, TS làm không đúng phần riêng xem như phạm quy. Nhưng với phần riêng của ban cơ bản làm sao biết được và TS có thể làm phần nào cũng được?
Đúng, với ban cơ bản rất khó phát hiện, TS làm phần nào cũng được và đừng làm cả hai phần. Trong hướng dẫn, Bộ GD-ĐT chỉ đạo: “Học chương trình nào (chuẩn hay nâng cao) phải làm phần riêng của đề thi ứng với chương trình đó. TS làm cả hai phần riêng cả đề thi thì bị coi như phạm quy và không được chấm phần riêng của đề thi”. Và trong hướng dẫn này Bộ cũng không đề cập đến việc này.
Trong đề thi trắc nghiệm cũng có phần chung và những phần riêng ứng với từng ban, nếu TS làm lố qua có bị cho là phạm quy hay không?
Khi phát hiện những câu đã làm lố qua phần riêng khác (làm thừa) thì nên xóa bỏ đi (không được gạch bỏ mà phải dùng tẩy xóa), nếu không sẽ bị phạm quy. Tóm lại TS chỉ giữ lại phần riêng theo quy định của mình. Với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, khi chọn phần riêng để làm, TS chú ý phải chọn nhanh vì thời lượng rất ít. Đối với đề thi trắc nghiệm, TS làm ngay những câu đã nắm chắc, sau đó làm tiếp những câu còn lại, không để thời gian chết ở một câu quá lâu và tuyệt đối không bỏ sót một câu nào. Các năm thi trước, đã có nhiều TS bỏ trống câu trả lời, thật hoang phí.
Việc vào điểm thi các môn năm nay có gì mới, thưa thầy?
Các năm trước, sau khi bài thi chấm xong sẽ có bộ phận ráp phách (theo tên), sau đó có bộ phận khác lên điểm thi. Năm nay lên điểm thi theo mã, nghĩa là lên điểm ngay bỏ qua khâu ráp phách. Cách làm này sẽ không biết tên thí sinh.
Thầy có dặn dò gì thêm cho TS?
Đối với môn thi hình thức tự luận, TS phải đọc kĩ đề để nắm được yêu cầu của đề thi hầu giúp TS tránh làm không đúng, không đủ yêu cầu của đề thi, thậm chí làm lạc hay sai yêu cầu của đề. Đối với môn thi theo hình thức trắc nghiệm, mỗi bài thi có một mã đề và số báo danh. TS phải chú ý và tô đúng mã đề và số báo danh. Nếu không sẽ dẫn đến việc máy chấm không chấm được hay chấm sai lệch ảnh hưởng quyền lợi của TS. Những năm trước, TS tô vào phần trả lời quá mờ, máy chấm không nhận ra. Vì vậy, TS phải tô đậm và khi đi thi mang theo vài cây bút chì loại mềm đã gọt sẵn. Hiện tượng tô lệch cũng đã xảy ra, TS cũng phải chú ý, không được tô vào ô trả lời lệch xuống phần câu dưới hay ngược lại (A của câu 9 lại tô A của câu 10) dẫn đến máy chấm sẽ làm sai kết quả. TS cũng không được tô vào hai kết quả trả lời trong cùng một câu. Khi thay đổi kết quả trả lời phải xóa thật sạch kết quả cũ để tránh tình trạng đáng tiếc vừa nói. TS tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi. Những năm trước có không ít TS mang vào phòng thi, dù không sử dụng hay đã tắt máy vẫn bị hủy kết quả thi. Cuối cùng, TS không nên học tủ mà phải nắm vững kiến thức cơ bản, ôn tập có hệ thống… Chú ý câu hỏi của các môn thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức được rải đều trong toàn chương trình, học tủ sẽ đạt điểm thi rất thấp.
Xin cảm ơn NGƯT Nguyễn Văn Ngai.
Trần Thanh Quang (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)