Một trong những quy định mới và căn bản của năm nay là các hội đồng thi phải được bố trí theo cụm tối thiểu ba trường để trong một phòng thi có học sinh nhiều trường. Thực tế, rất nhiều cụm thi có những phòng thi chỉ gồm học sinh của một trường ngồi thi với nhau!
|
Thí sinh Hà Nội thi tốt nghiệp THPT năm 2008 – Ảnh: Phạm Yên
|
Xếp phòng thi theo ban…
Theo dự kiến, phương án chia cụm thi tốt nghiệp THPT năm 2009 của Sở GD&ĐT Hà Nội, khoảng 224 cơ sở giáo dục cấp THPT (gọi chung là trường) đóng trên địa bàn thành phố được chia thành 68 cụm thi. Trong đó, chỉ một số ít cụm thi ở Hà Tây cũ do điều kiện địa lý nên chỉ có hai trường/ cụm.
Hầu hết các cụm còn lại đều đảm bảo quy định của Bộ GD&ĐT: tối thiểu ba trường/cụm. Thậm chí, số cụm có tới năm trường khá nhiều. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, dù Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện đúng quy định số lượng trường trong một cụm thi của quy chế, thực tế lại không thỏa mãn mong muốn của Bộ GD&ĐT, không đảm bảo học sinh nhiều trường cùng ngồi làm bài trong một phòng thi.
Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ chính quy chế.
Chẳng hạn, cụm thi số 6 (1.505 thí sinh) gồm ba trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm, THPT Tư thục Hoàng Diệu – Victoria, THPT Tư thục Hồng Hà dự kiến có 63 phòng thi nhưng sẽ có khoảng 10 phòng thi chỉ có riêng học sinh trường Trần Phú – Hoàn Kiếm ngồi với nhau.
Lý do: tất cả học sinh các trường Hoàng Diệu – Victoria và Hồng Hà đều học ban cơ bản và đăng ký dự thi ban cơ bản. Chỉ trường Trần Phú – Hoàn Kiếm có đủ ba ban: Cơ bản, khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH).
Trong khi đó, Bộ GD&ĐT hướng dẫn: việc lập danh sách thí sinh đăng ký dự thi trong một cụm trường (để làm căn cứ xếp phòng thi) phải theo ban mà thí sinh theo học (và đăng ký dự thi) và theo trình tự: ban KHTN, ban KHXH, ban cơ bản, giáo dục Thường xuyên (nếu có).
Cụm thi số 6 không phải là trường hợp cá biệt. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, hầu hết các trường THPT tư thục và tất cả các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy chương trình THPT ở Hà Nội đều chỉ dạy học ban cơ bản.
Theo đó, những cụm thi nào dù có từ ba trường trở lên nhưng trong đó chỉ một trường THPT công lập thì ở cụm thi đó sẽ diễn ra tình trạng như cụm thi số 6. Căn cứ vào dự kiến phương án chia cụm thi của Hà Nội, số cụm như thế khá nhiều.
Thậm chí, có những cụm tuy liên kết năm trường nhưng chỉ có một trường THPT công lập (cụm 11: Kim Liên, Tư thục Phương Nam, Tư thục Ngô Gia Tự, Tư thục Einstein, giáo dục thường xuyên Đống Đa; cụm 16: Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân, Tư thục Phan Bội Châu, Tư thục Nguyễn Trường Tộ, Tư thục Lương Thế Vinh, giáo dục thường xuyên Thanh Xuân…).
Và theo ngoại ngữ
Trao đổi với các Sở GD&ĐT khác như Nam Định, Ninh Bình, chúng tôi được biết, địa phương họ cũng gặp tình huống tương tự. Một cán bộ Sở GD&ĐT Nam Định phân tích:
“Do thất bại của chương trình phân ban (ít trường dạy học đủ ba ban cơ bản, KHTN, KHXH) trong khi xếp cụm chỉ căn cứ vào cự ly đi lại của học sinh mà không thể chú ý các trường trong một cụm có đủ ba ban hay không nên tôi tin đó là vấn đề của tất cả các địa phương trong cả nước hiện nay chứ không chỉ riêng Nam Định hay Hà Nội”.
Cũng đồng ý với nhận định trên, ông Lê Thái Hòa, Phó Phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Sở GD&ĐT Ninh Bình còn cho biết, từ quy định xếp phòng thi theo ngoại ngữ của thí sinh, có những cụm thi đủ ba trường nhưng tất cả học sinh của một trường nào đó vẫn được ngồi riêng rẽ như những năm tổ chức một trường một hội đồng.
Cụ thể, Ninh Bình có các trường Nho Quan A, Gia Viễn C là những nơi mà tất cả học sinh lớp 12 năm nay đều học tiếng Nga, và học sinh lớp 12 trường Yên Khánh B thì đều học tiếng Pháp (các trường còn lại học sinh học tiếng Anh). Do điều kiện địa lý nên ba trường này nằm trong ba cụm khác nhau. Các trường còn lại trong cùng cụm với ba trường trên đều chỉ có thí sinh dự thi tiếng Anh.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Ninh Bình chẳng còn cách nào khác là xếp tất cả học sinh ba trường trên vào một danh sách riêng (thí sinh thi tiếng Nga, tiếng Pháp). Đương nhiên, khi vào thi, thí sinh các trường này sẽ một mình một khoảnh dù về hình thức, các em vẫn là thí sinh trong một cụm thi có tối thiểu ba trường!
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, những nơi nào tổ chức hội đồng riêng rẽ từng trường hoặc theo cụm nhưng không đủ tối thiểu ba trường/cụm sẽ phải chịu những hình thức giám sát đặc biệt của Bộ (tăng số lượng thanh tra uỷ quyền, có giám thị là giảng viên các trường ĐH, CĐ).
Nhưng với những trường hợp nói trên, các điều kiện đảm bảo kỷ luật phòng thi của các thí sinh sẽ chẳng có gì đặc biệt, vì đơn giản là các sở làm đúng quy chế.
Theo các cán bộ quản lý giáo dục địa phương và cơ sở, thực tế này cho thấy, khi đưa ra quy định, Bộ GD&ĐT không lường được hết các tình huống có thể xảy ra.
Việc xếp phòng thi theo ngoại ngữ là hợp lý vì còn liên quan tới việc sao in đề (học sinh học ngoại ngữ nào có đề riêng cho ngoại ngữ ấy). Nhưng việc tổ chức hội đồng thi như thế nào, cần phải có quy định đối với các ngoại ngữ ít trường tổ chức cho học sinh học.
Còn xếp phòng thi theo ban, vẫn theo các cán bộ quản lý cơ sở cần phải bàn thêm vì mỗi môn thi chỉ có một đề thi dành cho tất cả thí sinh, nội dung phân hóa chỉ là một phần (khoảng 20 phần trăm) trong đề thi đó.
Nếu Bộ cho rằng việc xếp phòng thi theo ban là để kiểm soát việc học sinh có làm đúng nội dung phần riêng theo chương trình mình được học thì điều đó chỉ thực hiện được với học sinh các ban KHTN, KHXH.
Với học sinh ban cơ bản nhưng học một số môn nâng cao, giám khảo nào kiểm soát được sự lựa chọn không phù hợp thực tế của các em khi bài đã rọc phách? Quy định này không chỉ không công bằng giữa thí sinh các ban KHTN, KHXH với ban cơ bản mà còn tạo ra những rắc rối không cần thiết trong khâu chuẩn bị thi.
Quý Hiên (TPO)
Bình luận (0)