Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 có đến tám đối tượng thí sinh khác nhau. Thế nhưng Bộ GD-ĐT dự kiến chỉ có hai đề thi khác nhau cho hai đối tượngthí sinh học chương trình THPT và thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về hướng ra đề thi sao để phù hợp các đối tượng thí sinh và những điểm mới dự kiến thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới, ông Nguyễn An Ninh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết:
– Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những ý kiến góp ý để hoàn chỉnh quy chế tuyển sinh 2009 với một số điểm dự kiến sửa đổi. Riêng về đề thi, sẽ chỉ có đề riêng cho đối tượng thí sinh giáo dục thường xuyên và cho HS hệ THPT. Đề thi cho thí sinh học chương trình THPT (trừ môn ngoại ngữ) có hai phần chung và riêng.
Thí sinh học chương trình nào (chương trình chuẩn hay nâng cao) phải làm phần đề thi riêng của chương trình đó. Đề thi môn ngoại ngữ chung cho các đối tượng dự thi, nhưng nội dung đề sẽ ra vào phần kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao. Như vậy thí sinh học chương trình ban cơ bản, xã hội hay tự nhiên đều có thể lựa chọn cho mình phần đề thi phù hợp chương trình được học.
Thí sinh tự do sẽ phải bổ sung kiến thức cần thiết bám sát chương trình THPT hiện hành để có thể đạt kết quả thi tốt. Ở những môn thi có hai phần chung – riêng, nếu thí sinh làm cả hai phần riêng sẽ bị coi làm phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng đó.
* Hướng ra đề thi của các môn thi trắc nghiệm 2009 có gì thay đổi so với năm nay không thưa ông? Dự kiến có bao nhiêu mã đề?
Tám đối tượng bao gồm: thí sinh học chương trình lớp 12 hiện hành ban cơ bản, ban khoa học xã hội, ban khoa học tự nhiên, HS học chương trình THPT kỹ thuật, thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên, có ba đối tượng thí sinh tự do gồm thí sinh học chương trình THPT phân ban thí điểm hoặc không phân ban, thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên. |
– Đề thi ngoại ngữ dự kiến có 60 câu hỏi, đề thi trắc nghiệm các môn khác là 40 câu. Về mã đề, chúng tôi chỉ có thể nói sẽ tăng số mã đề lên nhiều hơn năm trước để đảm bảo tính khách quan. Cũng có thể mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề riêng. Tuy nhiên đây là vấn đề còn đang bàn và có bao nhiêu mã đề chưa thể khẳng định chắc chắn vào thời điểm này.
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 dự kiến quy định về đối tượng được cộng điểm ưu tiên sẽ có những điều chỉnh. Cụ thể như thế nào?
– Về cơ bản, quy định đối tượng ưu tiên cộng điểm tốt nghiệp không thay đổi, nhưng sẽ cụ thể, chi tiết hơn để thí sinh không bị thiệt thòi.
Cũng nằm trên địa bàn các thành phố trực thuộc trung ương nhưng sẽ vẫn có những xã, huyện nông thôn, khó khăn. Nếu chỉ khoanh vùng ở cấp tỉnh, thành phố thì nhiều thí sinh khó khăn không được hưởng chế độ ưu tiên. Chẳng hạn quy chế thi 2008 quy định đối tượng được ưu tiên “có cha mẹ là người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú ở vùng cao, vùng sâu, khó khăn, đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, thành phố (trừ các thành phố trực thuộc trung ương)”.
Theo đó, thí sinh ở huyện vùng cao khó khăn của Hà Nội hiện nay sẽ không được hưởng ưu tiên. Vì thế trong dự thảo quy chế thi mới, chúng tôi giữ nguyên phần quy định trên nhưng áp dụng cả với những đối tượng học ở các trường phổ thông trên địa bàn thuộc huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, đối với những đối tượng thí sinh được cộng điểm do đoạt các giải thưởng, thành tích trong học tập và hoạt động phong trào, năm nay chúng tôi sẽ quy định rõ hơn, chỉ tính những giải thưởng, thành tích đạt được trong những hoạt động do ngành giáo dục phối hợp với ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT.
* Mặc dù đã cố gắng nhưng kỳ thi trước vẫn có nhiều địa phương chưa nghiêm túc trong việc tổ chức thi, có ý kiến cho rằng giải pháp thanh tra ủy quyền không còn nhiều tác dụng. Về vấn đề này, theo ông, kỳ thi năm tới có quy định nào mạnh hơn nhằm tăng cường kỷ cương cho kỳ thi?
– Đây là việc sẽ phải bàn để đề ra nhiều giải pháp, chứ không phải một giải pháp duy nhất. Nhưng tôi khẳng định vẫn không thể thiếu thanh tra của Bộ GD-ĐT với vai trò giám sát các khâu của kỳ thi. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đưa vào quy chế một số quy định cụ thể hơn để quy trách nhiệm rõ ràng trong việc xử lý những sai phạm. Ví dụ trường hợp trong cùng một phòng thi có từ hai bài thi trở lên có nội dung giống nhau y hệt trên 50%, đặc biệt có những nội dung sai giống nhau thì giám đốc sở GD-ĐT phải yêu cầu hai giám thị coi thi ở phòng thi đó giải trình, trên cơ sở giải trình sẽ xử lý.
Hoặc trong quy định xử lý sai phạm với người chấm thi sẽ quy định rõ hơn: “Chấm thi không đúng hướng dẫn chấm thi, chấm sai so với đáp án của Bộ GD-ĐT từ 1,0 điểm trở lên/bài thi hoặc cộng điểm có nhiều sai sót”… Quy định như vậy để người chấm có trách nhiệm hơn, hạn chế tiêu cực.
TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện (TTO)
Bình luận (0)