Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT 2009 tại Hà Nội

Tạp Chí Giáo Dục

Liệu có còn điểm nóng như Hà Tây trước đây?

Giám thị hướng dẫn thủ tục làm bài cho học sinh trước giờ thi

Lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức thi tốt nghiệp THPT với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với hơn 90.000 thí sinh, 182 hội đồng thi, 3.805 phòng thi và gần 10.000 giám thị coi thi. Vậy cho đến thời điểm này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã sẵn sàng cho kỳ thi “lịch sử” này chưa. Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng GD phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết:
Một vấn đề chúng tôi rất quan tâm đó là năm nay Bộ tổ chức chấm chéo. Do đó, một mặt chúng tôi chuẩn bị theo đúng hướng dẫn của Bộ để làm sao đảm bảo đúng nhất quy chế về việc thu bài, đóng gói, niêm phong, đồng thời cũng chuẩn bị mọi phương án để vận chuyển bài thi một cách an toàn nhất.
Thành lập 30 đoàn kiểm tra, đưa đề thi
Theo ông thì còn khó khăn gì đặt ra đối với kỳ thi tốt nghiệp năm nay của Hà Nội?
Có hai vấn đề quan trọng cần tiếp tục quan tâm. Thứ nhất là giúp các em chuẩn bị tốt hai mặt là kiến thức, kỹ năng làm bài thi và tư tưởng để các em khắc phục hiện tượng vi phạm nội quy của phòng thi. Điều này sẽ tạo điều kiện để ta có được một kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Vấn đề thứ hai là những yếu tố khách quan mà chúng ta chưa lường hết được như thời tiết, giao thông và các yếu tố khác kể cả vấn đề dịch bệnh đang rất nóng hiện nay.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp tham gia cuộc thi, chúng tôi cho rằng có được phương án thì chúng ta sẽ khắc phục đến mức tối đa những khó khăn đó.
Năm nay, công tác kiểm tra, thanh tra và công tác đưa đề thi của Hà Nội sẽ được bố trí như thế nào, thưa ông?
Công tác đưa đề thi đã được chúng tôi xây dựng thành phương án chính thức. Chúng tôi có khoảng gần 20 đoàn để làm công việc đưa đề thi. Công tác kiểm tra cũng tương tự như thế. Ở thời điểm hiện tại, các đoàn kiểm tra, trước hết là ở các hội đồng coi thi cũng đang kiểm tra để đánh giá điều kiện cơ sở vật chất của các hội đồng, đồng thời phát hiện những chỗ nào còn thiếu sót báo cáo ngay ban chỉ đạo để tổ chức khắc phục ngay như tường rào, các điều kiện an toàn, những vấn đề khu vực… Chúng tôi nghĩ với tổng số khoảng 30 đoàn vừa làm công tác kiểm tra, vừa làm công tác đưa đề thi thì chúng tôi sẽ đảm bảo được hoạt động đó. Ngoài ra còn lực lượng thanh tra kiểm tra tại chỗ. Năm nay, chúng tôi cũng phải tính đến việc tổ chức đưa đề trước ngày thi để đảm bảo khi buổi thi đầu tiên diễn ra, tất cả các hội đồng coi thi đều có thể có đủ đề nhằm thực hiện các quy định theo quy chế.
Phần chung và phần riêng của đề thi, thí sinh rất quan tâm tới vấn đề này. Sở đã quán triệt vấn đề này như thế nào?
Trên thực tế thì Hà Nội đã quán triệt theo đúng tinh thần: học sinh học đề nâng cao thì phải làm theo đúng đề nâng cao. Tôi cũng nghĩ như lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo. Nếu trong trường hợp thí sinh làm theo đề không phải ban của mình thì rất có thể đấy là điều bất lợi chứ không phải là điều có lợi. Bởi, đề thi bám sát chương trình thì kiến thức được hỏi chắc chắn sẽ có những câu nếu làm trái ban, học sinh sẽ gặp phải vấn đề chưa học phần kiến thức đó. Do vậy, trong thời gian từ nay đến khi học sinh bước vào kỳ thi chính thức, chúng tôi lại phải quán triệt một lần nữa để học sinh hiểu rõ điều này.
Việc chấm thi Hà Nội có gặp khó khăn gì không?
Vấn đề chúng tôi quan tâm không phải là chấm cho tỉnh nào, hay tỉnh nào chấm bài cho Hà Nội mà là với địa bàn rộng như hiện nay, điều giáo viên đi lại hết sức khó khăn. Không phải chỉ lo chất lượng chuyên môn mà còn lo rất nhiều vấn đề khác, trong đó có cả vấn đề đời sống. Ví dụ như những giáo viên ở cách trung tâm Hà Nội từ 40 – 50km, giờ về làm nhiệm vụ thì bố trí cho họ ăn ở ra sao, đảm bảo điều kiện sức khỏe như thế nào? Đấy là vấn đề mà chúng tôi quan tâm.
Liệu có còn “điểm nóng” như Hà Tây trước đây?
Trong tất cả các khâu của thi tốt nghiệp, Sở băn khoăn, lo nhất khâu nào?
Có lẽ, trong nhiều năm mà những người làm công tác chỉ đạo thi lo nhất đó là khâu coi thi. Đây là khâu có nhiều tình huống bất thường xảy ra nhất. Tuy nhiên, một khi đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng thì mối lo cũng được giảm nhiều.
Đã bao giờ Hà Nội gặp sự cố bất thường chưa?
Thực ra những trường hợp bất thường thì phải tính đến những trường hợp như thế nào? Ví dụ như trường hợp học sinh vi phạm quy chế ở số lượng nhiều thì Hà Nội chưa thấy xảy ra trong nhiều năm qua. Còn năm nay, những tình huống mà báo chí trước đây thường nêu ra ở địa bàn này địa bàn khác ở khu vực Hà Tây cũ, đã từng là trường hợp bất thường. Nhưng với điều kiện chuẩn bị của ngành cũng như những chuyển biến của Hà Tây (cũ) trước khi thi tốt nghiệp thì tôi tin rằng sẽ không còn điểm nóng như vậy.
Phương án dự phòng của Hà Nội đến thời điểm này là như thế nào, thưa ông?
Hiện nay đã có phương án dự phòng. Trước hết là gia cố, củng cố những điểm thi để ứng phó với điều kiện bất thường của thời tiết, thứ hai là dự phòng về nhân lực. Sở cũng đã đề nghị với UBND các quận huyện, đặc biệt là các phòng giáo dục chuẩn bị sẵn một lực lượng giám thị tại chỗ, trong điều kiện thiếu giám thị có thể điều động được ngay. Còn vấn đề thiên tai, dịch bệnh thì phải tùy từng điều kiện cụ thể để đối phó dù đã có phương án chung.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Bình luận (0)