Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT 2009: Thí sinh làm cả hai phần riêng, chỉ được chấm phần chung

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Văn Nghĩa

Trong 3 ngày 2, 3 và 4-6-2009, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 sẽ diễn ra trên toàn quốc. Trước giờ G, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD, Bộ GD-ĐT giải đáp một số thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi này.
Hỏi: Việc xếp phòng thi cuối cùng theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 10 của Quy chế 04 được thực hiện như thế nào?
Trong mỗi cụm trường, danh sách thí sinh được sắp xếp theo các bước sau: Bước 1. Xếp theo thứ tự ban: thí sinh ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội và nhân văn, ban cơ bản; thí sinh giáo dục thường xuyên (nếu có); bước 2. Xếp theo thứ tự ưu tiên của môn thi ngoại ngữ (trừ thí sinh giáo dục thường xuyên): tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật; bước 3. Lập danh sách thí sinh cho mỗi môn thi ngoại ngữ và dành riêng cho giáo dục thường xuyên (nếu có) theo thứ tự a, b, c,… của tên thí sinh. Sắp xếp thí sinh trong một phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 mét; mỗi phòng thi 24 thí sinh; riêng phòng thi cuối cùng, có thể xếp đến không quá 28 thí sinh. Để tránh khó khăn cho các đơn vị còn hạn chế về cơ sở vật chất phòng thi, sau khi sắp xếp thí sinh theo 3 bước trên, Bộ cho phép ghép cơ học các phòng thi cuối không đủ 24 thí sinh/phòng theo nguyên tắc: chỉ được ghép các phòng thi cuối trong cùng một hội đồng coi thi; các phòng thi cuối trong một phòng ghép vẫn có riêng các danh sách thí sinh, túi đề thi và túi bài thi; các túi số 1 (đựng bài thi của thí sinh) của các phòng thi cuối được xếp riêng theo môn ngoại ngữ. Các đơn vị, tùy theo tình hình thực tế, phải bổ sung số lượng giám thị và cử giám thị có nghiệp vụ tốt coi thi tại phòng thi ghép này.
Đối tượng nào được mang theo và sử dụng điện thoại di động trong khu vực thi khi các buổi thi đang tiến hành?
Tất cả những người làm nhiệm vụ tại hội đồng coi thi đều phải được học tập, nắm vững quy chế thi; giám thị không được mang theo và sử dụng phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang tiến hành. Để đảm bảo chặt chẽ kỷ cương trường thi, Bộ yêu cầu thống nhất thực hiện như sau: tất cả những người làm nhiệm vụ trong khu vực thi khi hội đồng coi thi đang làm việc đều không được mang theo và sử dụng phương tiện thu, phát thông tin cá nhân. Trước mỗi buổi thi, chủ tịch hội đồng coi thi thu các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân của các đối tượng trên và lưu giữ tại phòng trực của hội đồng. Khi cần thông tin khẩn cấp, cán bộ làm nhiệm vụ thi phải báo cáo chủ tịch hội đồng coi thi để sử dụng điện thoại cố định đã được đăng ký của hội đồng coi thi.
Lực lượng thanh tra của Bộ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng làm nhiệm vụ tại các hội đồng coi thi có thực hiện việc quản lý thí sinh trong các buổi thi không?
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về việc tăng cường lực lượng thanh tra của Bộ là giảng viên các trường đại học, cao đẳng làm nhiệm vụ tại các hội đồng coi thi, trong các buổi thi, thí sinh không được ra ngoài phòng thi, trừ trường hợp đặc biệt chỉ được ra ngoài sau 2/3 thời gian làm bài thi. Nếu phải cho thí sinh ra ngoài, giám thị trong phòng thi giao thí sinh cho thanh tra, thanh tra giao cho giám thị ngoài phòng thi trực tiếp giám sát thí sinh cho đến khi thí sinh trở lại phòng thi. Đối với các trường hợp thí sinh ốm đau đột xuất, phải đề nghị giám thị bên ngoài phòng thi báo cáo chủ tịch hội đồng coi thi để giải quyết.Tuy nhiên, để cán bộ thanh tra tập trung thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giám sát các buổi thi, trong trường hợp phải cho thí sinh ra ngoài phòng thi thì giám thị trong phòng thi trực tiếp giao thí sinh cho giám thị ngoài phòng thi (chốt ở đầu hành lang) dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ thanh tra.
Trường hợp thí sinh vi phạm quy chế đến mức kỷ luật hủy kết quả thi thì xử lí bài thi của thí sinh này như thế nào?
Trong trường hợp này, bài thi của thí sinh bị vi phạm và biên bản xử lý thí sinh vi phạm được niêm phong trong các túi riêng theo từng buổi thi để đưa vào túi số 3 của hội đồng coi thi rồi chuyển giao cho sở GD-ĐT; giám đốc sở GD-ĐT hoặc người được ủy quyền lưu giữ các bài thi và biên bản xử lí thí sinh vi phạm quy chế, lập danh sách thí sinh vi phạm quy chế bị hủy kết quả bài thi (theo mẫu M16); nếu là bài thi tự luận, phải gửi danh sách này tới cho tỉnh chấm bài. Cần lưu ý cập nhật đầy đủ thông tin về thí sinh vi phạm quy chế bị xử lí kỷ luật hủy kết quả thi (cùng với việc cập nhật thông tin về các thí sinh vắng thi, thí sinh được miễn thi, đặc cách…) vào cơ sở dữ liệu gửi cho tỉnh chấm bài tự luận.
Trong khi chấm thi (cả tự luận và trắc nghiệm) thực hiện việc xử lý vi phạm quy chế của thí sinh thuộc giáo dục THPT khi làm phần đề thi riêng như thế nào?
Trong quy chế quy định rõ thí sinh làm cả 2 phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.
Nghiêm Huê (ghi)

Bình luận (0)