Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT 2009: Trước giờ “G”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày mai (2-6), hơn 1 triệu học sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 (trong 3 ngày 2, 3 và 4-6). Về quy mô, có thể nói kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ tương đương, nhưng về tính phức tạp, có lẽ thi tốt nghiệp vẫn được dư luận quan tâm nhiều nhất, đặc biệt năm nay, kỳ thi có tính chất quyết định “số phận” các kỳ thi năm sau.
Huy động cả cha mẹ học sinh phục vụ thi tốt nghiệp
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết các sở GD-ĐT các tỉnh đã ra quyết định thành lập ban công tác cụm trường, thành lập hội đồng in sao đề thi, hội đồng coi thi… Một số địa phương đã thành lập ban chỉ đạo thi cấp quận, huyện như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội… Kế hoạch tổ chức và phương án bảo vệ kỳ thi các tỉnh đã thành lập danh sách và sắp xếp thí sinh (TS) trong phòng thi. Một số địa phương đã huy động các lực lượng xã hội tham gia phục vụ kỳ thi như ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia tổ chức đưa đón, bố trí nơi ăn nghỉ cho học sinh ở xa hoặc tổ chức xe buýt cho học sinh. Tỉnh Bắc Giang cũng đã đưa ra “sáng kiến” giúp ngành giáo dục tổ chức tốt kỳ thi năm nay. Tại các điểm trường tổ chức thi cụm, mỗi học sinh của trường sở tại sẽ nhận một hoặc hai bạn học sinh trường khác đến thi về sinh hoạt tại nhà mình trong những ngày thi. Đây được coi là giải pháp rất tiết kiệm và an toàn cho TS và người nhà.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy đến thời điểm này thi theo cụm 3 trường chiếm 82,4%, cụm 2 trường 12,5%, chỉ có 5% trường thi riêng lẻ. Theo phản ảnh của 63 sở thì khó khăn cũng như gặp lúng túng nhất là việc tổ chức chấm điểm chéo. Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đề nghị Bộ đổi “sở chấm” bài là Nam Định. Vì từ Hà Tĩnh ra tới Nam Định phải đi hơn 300km. Tuy nhiên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD khẳng định không thể thay đổi theo nguyện vọng của Hà Tĩnh. Vì những sở “hàng xóm” của Hà Tĩnh là Thanh Hóa và Nghệ An đều có lượng bài rất lớn, trong khi đó, Hà Tĩnh chỉ có khoảng 26.000 học sinh. Hai tỉnh cận kề khác là Quảng Bình và Quảng Trị lại có số lượng học sinh khoảng hơn 10.000. Do đó, các sở “hàng xóm” không thể chấm cho Hà Tĩnh. Không những thế, tuyến đường từ Hà Tĩnh ra Nam Định cũng rất thuận tiện.
Nín thở trước giờ “G”

Làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT năm 2008 tại Hà Nội

Năm 2006, “nổ phát súng” đầu tiên “đánh vào” tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục là thầy giáo Đỗ Việt Khoa trong kỳ thi tốt nghiệp năm đó tại Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Tây (cũ). Ngay sau đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát động cuộc vận động 2 không. Và “kết quả” của cuộc vận động 2 không này nhìn thấy rõ nhất trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2007, khi mà rất nhiều tỉnh “rớt hạng” và số TS trượt tốt nghiệp một cách kỷ lục. Năm 2008, ngành giáo dục vẫn tiếp túc siết chặt kỷ cương thi cử. Đội ngũ thanh tra ủy quyền vẫn tiếp tục được điều động. Đến ngày thi cuối, khi mà tất cả dường như đã có vẻ ổn, cả nước không có “sự vụ” gì đáng nói thì tại Thanh Hóa xảy ra vụ cướp đề. Thế là ngành giáo dục lại “một phen” mất ăn mất ngủ. Còn dư luận, vẫn cảm thấy hình như thi tốt nghiệp có cái gì đó chưa ổn, chưa thể yên tâm như kỳ thi ĐH. Và việc quyết định thời gian diễn ra một kỳ thi quốc gia đã lùi lại một năm.
Tại sao hai kỳ thi có quy mô tương đương (từ số TS tham gia dự thi đến lực lượng tham gia kỳ thi) nhưng thi tốt nghiệp vẫn còn nhiều điểm “gợn” dù ngành giáo dục đã cố gắng? Vì đây là kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức và chịu sự giám sát của “địa phương” sở tại. Còn kỳ thi ĐH, TS được “tách” hẳn với tính địa phương và “quyền lợi” của các trường ĐH không bị “quyền lợi” của địa phương chi phối. Tính “cả nể con em mình” không còn ở kỳ thi ĐH. Chính vì vậy, thi ĐH có thể phát hiện những đường dây thi thuê, thi hộ, những gian lận mang tính hiện đại nhưng không có chuyện như ở Trường THPT Vân Tảo, Hà Tây (cũ) ở TT GDTX Lương Tải, Bắc Ninh hay như một hội đồng thi khác của Nghệ An.
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 đang đến rất gần. Càng đến ngày thi, những người có trọng trách trong tổ chức kỳ thi tâm lý càng “căng như dây đàn”. Chỉ khi ba ngày thi diễn ra xuôi chèo mát mái, khi khâu vận chuyển, chấm thi, lên điểm, thông báo điểm thi đã hoàn thành, họ mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Còn nếu không, dù xảy ra sự cố ở bất cứ khâu nào, những người tổ chức không chỉ phải chịu trách nhiệm trước dư luận xã hội mà còn phải chịu xử lý theo quy chế. Một cán bộ làm công tác thi lâu năm tại một sở GD-ĐT đã không ngần ngại tâm sự “sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp, chúng tôi dường như già thêm mấy tuổi”.
Miền Trung: An ninh vòng ngoài được thắt chặt tối đa
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các địa phương ở miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… trước ngày thi tốt nghiệp, mọi công tác chuẩn bị gần như đã hoàn tất, từ các con số thống kê đến an ninh vòng ngoài.
Chiều 29-5, cuộc họp cuối của Sở GD-ĐT Đà Nẵng với các sở, ban ngành có liên quan đã gút lại những công việc cần thiết để chuẩn bị cho kỳ thi. Năm nay tính cả tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT, Đà Nẵng có 11.076 TS THPT và 2.260 TS bổ túc THPT đăng ký dự thi. Được biết, năm nay sẽ có 1.530 cán bộ coi thi tại tổng cộng 29 hội đồng, mỗi phòng có 2 cán bộ coi thi. Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Văn Hoa cho hay, kỳ thi năm nay, các đơn vị liên quan cùng vào cuộc ráo riết, cụ thể: Công an thành phố tổ chức giữ gìn trật tự giao thông trên các tuyến đường đến các điểm thi, yêu cầu phụ huynh đưa đón con em phải đứng cách xa cổng hội đồng thi ít nhất 100m. Trước và trong kỳ thi, lực lượng công an tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh dịch vụ photocopy ở gần hội đồng thi cam kết không in sao tài liệu cho TS; tuyệt đối không cho phép nhân viên các trung tâm luyện thi, các trường TCCN, CĐ, ĐH, cơ sở quảng cáo, tiếp thị… tụ tập phát tờ rơi chung quanh khu vực thi, làm mất tính nghiêm túc của kỳ thi. Cũng theo ông Huỳnh Văn Hoa, việc sắp xếp cụm trường được tổ chức thuận lợi, học sinh đi lại không quá xa – cụm xa nhất tối đa dưới 15km. Cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, quy mô các cụm không lớn nên công tác đi lại của các TS được đảm bảo. 
– Tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, năm nay, toàn tỉnh có 16.272 TS tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, hệ THPT là 14.831, hệ bổ túc 1.441 em. Theo đó, Sở đã thành lập 34 hội đồng thi tập trung tại TP. Huế. Toàn tỉnh có 8 HS được miễn thi tốt nghiệp THPT, gồm 3 HS đạt giải quốc gia và 5 HS khiếm thị. Được biết, bằng tốt nghiệp của các em học sinh khiếm thị sẽ dựa vào học lực trong ba năm học THPT.
– Tại tỉnh Quảng Nam có gần 25.000 TS dự thi. Trong đó, hơn 23.000 TS THPT dự thi tại 59 hội đồng thi, gần 2.000 TS bổ túc THPT dự thi tại bốn hội đồng thi.
– Tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ học sinh đi thi cụm với số tiền 20.000 đồng/ngày.
ĐBSCL: Địa phương hỗ trợ tiền đò cho TS
Trong ba ngày diễn ra kỳ thi, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ có 7 đoàn thanh tra lưu động đi giám sát kỳ thi. Ngoài ra, Bộ cũng huy động hơn 10.000 thanh tra ủy quyền là cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ trực tiếp tại các hội đồng thi trên cả nước.
– Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009, TP Cần Thơ có 7.854 TS THPT dự thi ở 16 hội đồng thi thuộc 9 cụm và 1.765 TS bổ túc trung học dự thi ở 4 hội đồng thuộc 2 cụm. Ở hệ THPT có 2 cụm chỉ có 2 trường THPT là cụm Vĩnh Thạnh và cụm Thới Lai. Riêng Trường THPT Phan Văn Trị do tỉnh lộ 923 chưa hoàn thành nên đường đi lại rất khó khăn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cho phép cụm này chỉ có duy nhất Trường THPT Phan Văn Trị thành lập 1 hội đồng thi với 604 TS.
– TS Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau cho biết: “Toàn tỉnh có 9.382 TS tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009, trong đó, có 7.424 TS THPT và 1.958 TS bổ túc trung học thi ở 16 cụm. Do địa bàn rộng, khoảng cách giữa các trường THPT xa, đường giao thông một số tuyến xã chưa liền lạc nên tỉnh Cà Mau được Bộ GD-ĐT cho phép thành lập 9 hội đồng thi độc lập chỉ có một trường THPT. Đặc biệt, những TS ở hai huyện xa trung tâm, còn nhiều khó khăn là huyện Đầm Dơi và huyện Ngọc Hiển, Sở GD-ĐT tham mưu cùng UBND tỉnh và được UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ mỗi TS 60.000 đồng để đi đò đến hội đồng thi”.
– Tại tỉnh Hậu Giang, có 12 cụm thi, trong đó có 1 cụm 2 trường, còn lại đều từ 3 trường trở lên. Toàn tỉnh có 5.205 TS phổ thông và bổ túc tham gia kỳ thi này.
– Ở tỉnh Vĩnh Long, có 10.034 TS phổ thông thi ở 21 hội đồng thi và 724 TS bổ túc trung học thi ở 1 hội đồng thi. Do tỉnh Vĩnh Long thuận lợi về đường giao thông và mỗi huyện đều có nhiều trường phổ thông nên ngành giáo dục tỉnh đảm bảo mỗi cụm đều từ 3 trường THPT trở lên theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT…
Nhìn chung, do đặc điểm địa phương nên hầu như tỉnh, thành nào ở ĐBSCL cũng chỉ đạo các trường phối hợp với phụ huynh để đưa học sinh đến trường. Những gia đình không có điều kiện đưa rước học sinh, trường sẽ kết hợp cùng hội phụ huynh hợp đồng xe, đò để đưa các em đi thi. Nhiều đơn vị còn vận động nhà dân gần các hội đồng thi để các em có thể ở nhờ trong thời gian thi…. Có thể nói, bằng mọi hình thức, ngành giáo dục và phụ huynh học sinh các tỉnh, thành ĐBSCL đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện đi lại để học sinh nơi đây có một kỳ thi thật sự an toàn và nghiêm túc.
Nhóm PV

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)