Chưa đầy 1 tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2009-2010 sẽ diễn ra. Trước kết quả kỳ thi thử, nhiều trường vô cùng lo lắng với 2 môn Sử, Địa. Đây sẽ là 2 môn có khả năng đánh rớt thí sinh cao nhất. Nên khi các trường vào giai đoạn nước rút, học sinh tức tốc được ôn văn – luyện sử – học địa cho đến giờ phút chót.
Cô Đỗ Thị Kim Định, Trường Lương Văn Can (quận 8, TPHCM) hướng dẫn các em học sinh lớp 12A3 ôn thi môn Địa. Ảnh: Mai Hải
|
Nhà trường: Ám ảnh những con số
Từ năm 2008-2009, kết quả kỳ thi môn Địa lý chỉ có trên 60% trên trung bình. Nguyên nhân, theo đánh giá của các giáo viên bộ môn Địa lý là do thay đổi cấu trúc đề thi, cụ thể cách đặt các câu hỏi chuyển từ thuộc lòng từ chương sang cách hỏi vận dụng kiến thức.
Phần bảng số liệu thống kê không còn đơn thuần là hỏi tăng giảm hoặc vẽ biểu đồ rồi giải thích như trước, mà đi sâu vào kỹ năng tính toán, phân tích số liệu để rút ra nhận xét, sau đó mới giải thích. Học sinh quen với cách thi cũ sẽ không thích ứng kịp và làm bài không đạt kết quả cao.
Từ năm 2004, môn Sử liên tiếp được chọn là môn thi tốt nghiệp THPT. Nó trở thành một “máy chém” nguy hiểm, đánh rớt thí sinh cao nhất trong các kỳ thi. Những sự kiện, số liệu dài ngoằn khiến thí sinh ngán ngẩm.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT “song hành” 2 môn Sử-Địa, cộng thêm môn Văn, khiến nhiều trường lo lắng. Kết quả thi thử tốt nghiệp vừa qua lại một lần nữa khiến các trường như đang ngồi trên đống lửa. Hai môn Sử, Địa có kết quả thấp… không tưởng. Nhiều trường chưa đến 50% học sinh đạt điểm trung bình.
Thầy Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp, lắc đầu ngán ngẩm: “Chỉ có 50% học sinh của trường đạt điểm trung bình”. Trường THPT Phú Nhuận “đau đầu” vì chỉ có 30% đạt điểm trung bình môn Địa. Trường THPT An Lạc, quận Bình Tân, chưa đến 15% đạt điểm trung bình môn Sử.
Kết quả thi thật môn Sử năm học 2007-2008 và môn Địa năm 2008-2009 ở các trường cũng thuộc dạng thấp nhất nhì trong tất cả các môn. Cộng thêm vào đó, 2 năm nay đề thi “mở” nhưng cách chấm chéo ở nhiều nơi lại “đóng”, nên sự có mặt của nhiều môn thi học bài khiến các trường lo sợ.
Học sinh: 1 “tủ”, 2 buông
Những ngày này, dạo quanh các trường THPT dân lập tại TPHCM, nhiều trường đang ráo riết “cấm túc ôn tập” cho học sinh. Để đảm bảo cho kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm nay tốt đẹp, nhiều trường không ngần ngại truy bài cho học sinh từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Một số trường THPT công lập đã cho học sinh nghỉ học từ tuần này để học sinh có thời gian tự ôn ở nhà, song không ít trường cũng tiếp tục cho học sinh ôn ở trường cho đến ngày 28, 29 – 5.
Về phía học sinh, nhiều em ví von mình sắp trở thành “gà công nghiệp”, đặc biệt ở 2 môn Sử và Địa, nhiều em thú thật là “giờ G” sắp đến nhưng “nuốt” hết vô, kể cả học sinh giỏi. Một học sinh giỏi Trường THPT Hùng Vương, quận 5, tâm sự: “Mặc dù thầy cô bộ môn đã chuẩn bị kiến thức khá kỹ cho học sinh, nhưng do phần bài phải học trải dài theo những giai đoạn lịch sử, nhiều sự kiện và con số cần nhớ, khiến em không tài nào nhớ hết nổi”.
Nhiều HS ban A, giỏi Toán, Lý, Hóa đành chấp nhận “buông” môn Sử và “học tủ” một số bài mà các bạn cho là “quan trọng”. Hoàng Ngân, học sinh lớp 12A11 Trường THPT Trưng Vương, quận 1, than thở: “Môn Sử chương trình khá dài, mà thời gian ôn tập quá ngắn, cộng thêm phải cùng lúc học bài môn Địa, Văn khiến em không thể nào nhồi nhét nổi. Chỉ còn 1 tuần nữa là thi rồi, chắc em phải học tủ thôi”.
Ngân cho biết thêm: “Em dám chắc nhiều bạn học giỏi ban A sẽ buông luôn 2 môn Sử, Địa, dồn sức cho các môn còn lại để gỡ điểm, còn 2 môn này chỉ ráng làm bài không bị điểm liệt”.
Thận trọng với cách ra đề “mở”
Theo ông Mai Phú Thanh, chuyên viên môn Địa lý, Sở GD-ĐT TPHCM, nhiều học sinh cho rằng môn Địa chỉ cần học thuộc lòng, biết vẽ biểu đồ đã có thể dễ dàng kiếm được điểm trung bình là sai lầm. Đề thi 2 năm trở lại đây không còn là câu hỏi lớn, mỗi câu là một phần bài học như trước, mà là một hệ thống câu hỏi nhỏ liên hoàn, có mối quan hệ với nhau và “trải đều” nhiều phần học.
Thậm chí, với cách ra đề mở, có nhiều phần thuộc về kiến thức sống của học sinh. Do đó, nếu học sinh “học tủ” hoặc “buông” một phần nào của chương trình là điều cực kỳ nguy hiểm. Vẽ biểu đồ cũng là một vấn đề, khi hiện nay với một bảng số liệu có nhiều cách vẽ biểu đồ khác nhau, tùy theo câu hỏi đi kèm theo bảng số liệu, học sinh mới có thể vẽ đúng biểu đồ phù hợp.
Cấu trúc bảng số liệu hiện nay cũng thay đổi theo hướng có thể phân tích nhiều hướng khác nhau, nên tùy theo câu hỏi đi kèm, học sinh phải biết rút ra nhận xét và lựa chọn kiến thức giải thích nguyên nhân cho phù hợp.
“Cách chấm điểm hiện nay là “chẻ nhỏ” theo ý, mỗi ý đúng được 0,25 điểm, nên mỗi câu chỉ cần mất 0,25 điểm thì việc đạt điểm 5 đối với học sinh trở nên rất khó”, ông Thanh cảnh báo.
Đối với môn Sử, theo các giáo viên bộ môn cho biết: Học sinh cần viết dàn ý trước khi làm bài, diễn đạt ngắn gọn, súc tích và giải quyết đúng yêu cầu trong câu hỏi của đề thi, không nên sa đà vào “mô tả văn học hoặc mô tả thời sự” vừa mất thời gian, vừa tốn công sức mà kết quả vẫn thấp.
Đặc biệt đối với môn Sử, nhiều học sinh có tình trạng “tủ bài”, đoán đề thi theo cảm tính là không nên, vì nếu đề thi ra “trật tủ”, nhiều học sinh sẽ bị hẫng ngay.
Nguyễn Thủy / SGGP
Bình luận (0)