Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT 2010: Tuyệt đối không học tủ, đoán mò

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Văn Nghĩa

Trong 3 ngày: 2, 3 và 4-6 sắp tới, hơn 1,1 triệu thí sinh (TS) sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010. Đây cũng là năm thứ 2 Bộ GD-ĐT thực hiện thi theo cụm và chấm chéo. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT&KĐCLGD), Bộ GD-ĐT đã có những lưu ý đối với thí sinh trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này.
Ông Nghĩa cho biết, với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT, người ra đề sẽ cân nhắc để những thí sinh có trình độ trung bình nắm được kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu tối thiểu có thể vượt qua được kỳ thi này. Có những câu hỏi chỉ dừng ở mức đánh giá kiến thức cơ bản của chương trình đã học, nhưng cũng sẽ có những câu yêu cầu thí sinh phải vận dụng kiến thức và hiểu biết thực tế và đây là phần đề để giúp phân loại học sinh.
Thưa ông, đây là một kỳ thi quốc gia nhưng ở mức đánh giá mức độ nắm kiến thức, kỹ năng của từng học sinh ở bậc phổ thông… vì thế yêu cầu của đề thi, chấm thi chắc phải tính đến quyền lợi 12 năm học hành của TS?
Nhìn chung, ở tất cả các môn thi, đề thi sẽ ra theo hướng hạn chế những câu hỏi mà TS học thuộc lòng một cách máy móc cũng có thể trả lời được. Ban ra đề sẽ xây dựng ba-rem chấm, hướng dẫn chấm thi chi tiết. Nội dung này cũng nằm trong diện bảo mật như đề thi. Đối với các câu hỏi “mở”, trong hướng dẫn chấm thi cũng sẽ chỉ ra cách thức cho điểm với những cách trả lời khác nhau của TS. Thêm vào đó, theo quy chế thi, trước khi chấm bài tự luận, các tổ chấm phải tổ chức cho giám khảo nghiên cứu hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện. Các bài chấm chung phải được cho điểm ngay sau khi thống nhất điểm, phải ghi rõ “bài chấm chung” kèm theo chữ ký của tổ trưởng tổ chấm thi và ít nhất 2 giám khảo. Trường hợp trong tổ chấm thi có ý kiến thắc mắc không tự giải quyết được hoặc phát hiện có sự nhầm lẫn trong hướng dẫn chấm thi thì lập biên bản đề nghị chủ tịch hội đồng chấm thi xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng như các sở vẫn không khỏi lo lắng về tình trạng nơi chấm chặt, nơi chấm lỏng, ông nghĩ sao?
Để tránh gây thiệt thòi cho thí sinh, ba-rem chấm thi năm nay cũng sẽ chi tiết đến 0,25 điểm. Trong hướng dẫn chung, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các hội đồng chấm thi phải phổ biến kỹ hướng dẫn chấm và chấm chung một số bài để thống nhất phương án chấm thi cho giám khảo. Tinh thần chung là thí sinh làm được đến đâu cho điểm đến đó, không cứng nhắc chỉ cho điểm khi thí sinh làm được trọn vẹn câu hỏi. Nếu vận dụng đúng hướng dẫn chấm, sẽ không lo chuyện chấm chặt, chấm lỏng.
Một vấn đề nữa mà ông cũng vừa nhắc đến, đó là nếu TS có cách giải sáng tạo, cho kết quả đúng nhưng không giống đáp án thì cách chấm điểm sẽ như thế nào, thưa ông?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn khuyến khích khả năng sáng tạo của TS (thể hiện ở đề thi, hướng dẫn chấm thi) nhưng mức độ vừa phải, khác với đòi hỏi cao ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Những TS có cách làm khác với đáp án nhưng đúng vẫn phải cho điểm như ba-rem. Còn việc có thưởng điểm hay không còn tùy thuộc yêu cầu cụ thể của từng câu, đề thi.
Thưa ông, cũng như các năm trước thí sinh quan tâm họ sẽ được mang những gì vào phòng thi?
Quy định về vật dụng được mang vào phòng thi vẫn giữ nguyên như những năm trước: ngoài bút, thước, compa, tẩy chì, thước cong, đối với môn địa, các em còn được mang vào phòng thi át-lát địa lý của NXB Giáo dục.
Các em được phép mang máy tính cầm tay vào phòng thi nhưng đó phải là các máy tính đáp ứng yêu cầu: không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ cắm thêm. Ngoài các tài liệu, vật dụng nêu trên, các em không được đưa vào phòng thi bất kỳ tài liệu, vật dụng khác. TS tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra.
Hầu hết các TS đều rất lo lắng hồi hộp trước một kỳ thi như thế này, ông có thể cho một lời khuyên giúp cho các thí sinh để họ yên tâm làm bài tốt hơn không thưa ông? 
Để đạt được kết quả cao, tất nhiên TS phải nắm vững kiến thức cơ bản. Gần sát ngày thi, cần rà soát, hệ thống lại những kiến thức đã ôn tập, bổ sung những kiến thức còn chưa nắm vững. Đề thi (đặc biệt là đề trắc nghiệm) gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán mò, học tủ.
Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang tài liệu vào phòng thi hoặc trông chờ sự giúp đỡ của TS khác trong phòng thi. Kinh nghiệm cho thấy khi làm bài trắc nghiệm, TS không nên dừng lại quá lâu trước một câu, nếu không làm được thì nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác. Cuối giờ, các em có thể quay trở lại làm câu trắc nghiệm mà mình đã bỏ qua.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)