Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thi tốt nghiệp THPT 2011: Để đạt điểm cao trong môn vật lý

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

TS nên tập cho mình tính cẩn thận, chính xác để khi vào phòng thi không bị lúng túng về thời gian. Ảnh: N.Anh
Vật lý là một trong ba môn thi trắc nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. Nhằm giúp các thí sinh (TS) có phương pháp ôn tập hợp lý cũng như tránh sai sót khi làm bài thi, Giáo Dục TP.HCM đã trao đổi với hai thầy cô có nhiều kinh nghiệm ở bộ môn này.
Cô Diệp Thị Cẩm Hằng (Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên): Hệ thống hóa kiến thức theo sơ đồ tư duy
Đối với môn vật lý, TS không nên học thuộc lòng theo kiểu “học vẹt” mà phải học để hiểu bài và biết cách vận dụng kiến thức vào bài làm. Trong một câu hỏi trắc nghiệm, phần kiến thức thường được “lộ” sẵn trong các đáp án a, b, c, d. Do đó, chỉ cần nắm rõ và hiểu kiến thức là TS có thể dễ dàng chọn ra đáp án đúng nhất. Để thuận tiện cho quá trình ôn tập, TS nên hệ thống hóa lại kiến thức theo các sơ đồ tư duy ở từng chương, bài, ghi rõ công thức và những nội dung cần ghi nhớ, tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa các tính chất, công thức… của các phần trong vật lý để dễ hình dung khi ôn tập. Phương pháp này đã được nhiều TS trước đây áp dụng và đạt hiệu quả cao, tránh được sự nhầm lẫn giữa công thức nọ với công thức kia. Khi học bài, TS cần có sự kết hợp giữa các bài trong một chương và giữa các chương với nhau như phần sóng cơ (học kỳ I) có liên quan tới sóng ánh sáng (học kỳ II), tia hồng ngoại và tia tử ngoại, quang phổ vạch liên tục và quang phổ vạch phát xạ…. Phần lý thuyết chiếm tới 40% trong tổng số điểm bài thi và bao quát toàn bộ kiến thức đã học trong chương trình lớp 12 nên TS không nên học tủ. Ngoài ra, trong một số câu hỏi trắc nghiệm thường “gài bẫy” TS, do đó TS cần phải phân tích kỹ và hiểu vấn đề câu hỏi đặt ra để tránh “mắc bẫy”.
Khi tính toán, TS cần cẩn thận với các đơn vị sử dụng trong bài, các đơn vị phải có cùng hệ thống. Đây cũng là một trong những lỗi TS thường hay mắc phải khi làm bài thi. Nếu không quy đổi về cùng một đơn vị, dù phép tính, công thức đúng nhưng vẫn cho ra kết quả sai, mất điểm một cách đáng tiếc. Bên cạnh đó, TS nên làm nhiều bài tập để khắc sâu kiến thức và không bị lúng túng khi vào phòng thi.
 
Thầy Trương Thọ (Tổ trưởng bộ môn Lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh): Cần cẩn thận và chính xác
Một số câu hỏi trắc nghiệm thường “gài bẫy” TS, do đó TS phải phân tích kỹ và hiểu vấn đề câu hỏi đặt ra để tránh “mắc bẫy”.
Trong quá trình ôn tập, TS nên làm nhiều bài tập. Tập làm chủ thời gian trước và sau khi vào phòng thi. Thông thường, khi làm bài, TS thường mắc phải những lỗi cơ bản sau. Lỗi về đơn vị: Nhiều TS thường quên đổi đơn vị khi giải bài tập. VD: Đối với việc tính biên độ của dao động, vận tốc, ly độ phải dùng cm; đối với động năng, cơ năng, thế năng phải tính bằng m… Lỗi trong việc tính toán:Khi làm bài thi, TS thường sử dụng máy tính để làm bài nên chuyện bấm nhầm trong tính toán là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là với khoảng thời gian “chạy nước rút” về sau. Để tránh hiện tượng này, TS nên mang theo loại máy tính mình đã sử dụng trong quá trình ôn thi. Chưa biết vận dụng lý thuyết: Trong cùng một câu hỏi trắc nghiệm, thỉnh thoảng có nhiều phương án trả lời có nội dung tương tự nhau. Khi đọc lên, nhiều TS thường hấp tấp, vội vàng chọn ngay mà ít khi chịu suy nghĩ hoặc đọc kỹ câu hỏi dẫn đến việc mất điểm một cách đáng tiếc. Do đó, trong quá trình ôn tập, TS nên tập cho mình tính cẩn thận, chính xác, tập giải nhanh các bài toán để khi vào phòng thi không bị lúng túng về thời gian. Một lời khuyên không bao giờ thừa cho tất cả các TS trước bất cứ kỳ thi nào là: Câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau để tránh dồn câu hỏi vào những phút cuối. Ngoài ra, TS không nên đánh câu trả lời vào đề, khi làm đến câu nào thì tô liền vào câu đó, nếu sai có thể tô lại trong bài làm. Tránh tình trạng khi làm xong mới đánh vào bài làm, thường bị đánh nhầm.
Ngọc Anh (ghi)

TS không nên đánh câu trả lời vào đề, khi làm đến câu nào thì tô liền vào câu đó, nếu sai có thể tô lại trong bài làm.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)