Khi ôn tập, TS cần chú ý đến các câu dẫn chứng. Ảnh: N.Anh
|
Không ít thí sinh (TS) cho rằng, môn văn là môn khó đạt điểm cao vì… phải học và viết được nhiều chữ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải TS nào viết được nhiều chữ cũng được điểm cao. Nếu tập trung và có kế hoạch học tập khoa học, TS dễ dàng có thể đạt được số điểm tương đối từ môn này. Cô Trần Thị Dần, Tổ trưởng bộ môn văn Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã chia sẻ về cách học và ôn tập sao cho đạt hiệu quả cao…
Trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn văn, có 1 câu hỏi tái hiện kiến thức, 1 câu nghị luận văn học và 1 câu nghị luận xã hội. Câu hỏi tái hiện kiến thức thường yêu cầu học sinh nêu một số thông tin liên quan tới tác phẩm đã học như cuộc đời và sự nghiệp của tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, hoặc về một vài chi tiết trong tác phẩm. Với những yêu cầu này, học sinh phải trình bày tương đối chính xác, đầy đủ, ngắn gọn. Đối với phần tác giả văn học nước ngoài, khi ôn tập, các em nên chú trọng vào những chi tiết quan trọng như tiểu sử (họ tên, năm sinh – mất, thành phần xuất thân…), những mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời, những tác phẩm tiêu biểu và phần đánh giá, nhận xét về tác giả. Ngoài ra, các em nên làm bảng thống kê để khi học có sự đối chứng, so sánh, giúp quá trình học thuận tiện hơn.
1. Trong phần nghị luận văn học, có hai thể loại thường được sử dụng trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT là thơ và văn xuôi. Đối với thơ, dạng đề thường ra là phân tích một bài thơ, đoạn thơ. Các em phải nắm được hoàn cảnh sáng tác, nội dung, cảm hứng chủ đạo của một bài, đoạn thơ, phát hiện tác giả sử dụng các biện pháp nghệ thuật nào để thể hiện cảm hứng chủ đạo của đoạn, bài thơ. Từ đó, các em phân tích nghĩa của câu thơ theo những gì đã học và lồng ghép cảm xúc của mình vào bài. Với các tác phẩm văn xuôi, các em cần nắm được cốt truyện, hệ thống nhân vật, tình huống, chi tiết để phân tích nhân vật hoặc làm rõ yêu cầu của đề thi. Khi phân tích nên đưa phần tóm tắt tác phẩm vào bài làm. Đó được coi là chất liệu để xây dựng nên một bài văn hoàn chỉnh và khi tóm tắt được nội dung của tác phẩm, các em sẽ hạn chế được việc nhầm lẫn đáng tiếc. Thông thường, khi phân tích tác phẩm, ít hay nhiều TS đều phải trích dẫn những dẫn chứng để bài văn mang tính thuyết phục. Cần lưu ý chọn dẫn chứng ngắn gọn, tiêu biểu nhất để làm bật lên ý đồ khi phân tích. Trong trường hợp không nhớ được chi tiết, cụ thể, các em có thể tóm gọn các dẫn chứng và trình bày theo ý của mình. Đối với các đề ra theo dạng phân tích nhân vật, các em cần phân biệt nhân vật có ngoại hình, có tính cách hay tâm trạng. Đây chính là yếu tố nghệ thuật tác giả muốn gửi gắm tới độc giả. Ví dụ: Với nhân vật người vợ trong tác phẩm Vợ nhặt là khắc họa ngoại hình; Người lái đò sông Đà là khắc họa tính cách; nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ là khắc họa tính cách và tâm trạng… Từ đó chọn ra những chi tiết tiêu biểu nhất của nhân vật để nói lên tư tưởng chủ đạo của tác phẩm và của nhà văn.
TS cần phát huy tối đa ưu thế của giấy nháp trong quá trình làm bài. Sau khi đọc đề xong, TS nên dành 3-5 phút để vạch ra những ý cơ bản, một vài dẫn chứng cần thiết, một vài điểm lưu ý của cá nhân… rồi ghi vào giấy nháp.
|
2. Đối với bài nghị luận xã hội, nghị luận một vấn đề tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống là hai dạng vẫn thường được lựa chọn trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đối với các dạng đề này, các em cần vận dụng tốt các kỹ năng để làm rõ yêu cầu của đề, gạch dưới những từ quan trọng để tránh lạc đề. Vấn đề được yêu cầu nghị luận thường liên quan mật thiết với các sự kiện thời sự – xã hội diễn ra trong thời gian gần đây, được dư luận xã hội quan tâm, phù hợp với khả năng nhận thức của tuổi trẻ học đường. Phần mở bài cần giới thiệu được yêu cầu trọng tâm mà đề đưa ra. Phần thân bài cần giải thích, bàn luận về tính đúng – sai của các khía cạnh, những dẫn chứng thường xảy ra trong cuộc sống. Phần kết luận cần chỉ ra bài học rút ra được từ vấn đề được nêu. Một bài văn hoàn chỉnh là một bài văn có “mở” và có “đóng”. Do đó TS nên khéo léo vận dụng để bài văn của mình vừa có sức gợi cảm lại vừa có sự thu hút đối với người đọc.
Một thực tế vẫn xảy ra là TS rất ít khi sử dụng giấy nháp, thậm chí bỏ trắng trong các kỳ thi. Hầu hết các em sau khi đọc đề xong liền cắm cúi vào bài làm mà không cần lập dàn ý cho bài làm của mình. Thao tác nhỏ này dẫn đến sai sót đáng tiếc như làm không đủ ý, nhầm lẫn các chi tiết… Do đó, các em cần phát huy tối đa ưu thế của giấy nháp trong quá trình làm bài. Sau khi đọc đề xong, TS nên dành 3-5 phút để vạch ra những ý cơ bản, một vài dẫn chứng cần thiết, một vài điểm lưu ý của cá nhân mình. Lỗi chính tả cũng là một trong những điều mà TS thường hay mắc phải. Ngoài những lỗi về câu cú, từ ngữ, không ít TS còn mang cả ngôn ngữ “teen” thường dùng trong đời sống vào bài làm. Điều này dễ gây mất thiện cảm của giám khảo khi chấm bài. Do đó, trong quá trình ôn tập, các em cần khắc phục việc sử dụng câu và từ của mình. Ngoài ra, khi trình bày bài làm cần phải sạch sẽ, chữ viết rõ ràng, bài làm phải chú tâm vào điểm chính, tránh lan man, dàn trải.
Ngọc Anh (ghi)
Khi phân tích tác phẩm, ít hay nhiều TS đều phải trích dẫn những dẫn chứng để bài văn mang tính thuyết phục, có thể chọn cách trích dẫn cả câu hay một vài từ trong câu tùy theo khả năng và đặt chúng trong dấu ngoặc kép.
|
Bình luận (0)