Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT 2011: Ổn định như năm 2010

Tạp Chí Giáo Dục

Thi tốt nghiệp 2010 tại TP.HCM. Ảnh: T.L
Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo quý I năm 2011 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa. Vấn đề chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011 được các báo, đài đặc biệt quan tâm.
Đề thi: Vẫn mở
Trước câu hỏi đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 có ra mở như năm 2010 hay không, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục KT&KĐCLGD cho biết ra đề thi nằm trong quy chế, quy chế không thay đổi thì cách ra đề cũng không thay đổi. Việc ra đề thi tránh học tủ, học vẹt nên đề thi vẫn ra theo hướng mở. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng cho biết, trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã hướng dẫn đề ra sẽ là 50% vận dụng kiến thức. Đây là vấn đề không mới và không mâu thuẫn với chủ trương học sinh học trung bình cũng có thể đỗ tốt nghiệp của ngành giáo dục. Cũng theo lãnh đạo bộ thì kỳ thi tốt nghiệp năm 2011 vẫn giữ ổn định như năm 2010. Do đó, quy chế thi cũng không có gì thay đổi.
Vẫn giữ thanh tra ủy quyền
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 Bộ GD-ĐT đã giảm số thanh tra ủy quyền đến các hội đồng thi chỉ còn bằng 1/10 so với năm 2009. Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết sẽ vẫn duy trì số lượng thanh tra ủy quyền của bộ như năm 2010. Vì theo đánh giá của bộ, năm 2010, thanh tra ủy quyền và thanh tra của các sở đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Còn về vấn đề các sở tổ chức thi thử cho học sinh, ông Chuẩn cho biết tổ chức thi thử hay không là việc của sở. “Còn theo ý kiến của tôi thì khi họ tổ chức thi thử là họ có lý do của họ. Đây cũng là một dịp để đánh giá học sinh, để nắm bắt được tình hình thực tế học sinh như thế nào nhằm có kế hoạch ôn tập. Bộ đã chỉ đạo các tỉnh lên kế hoạch phù hợp với địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học nhiều năm, giáo viên, nhà trường cần có nhiều kênh để thu thập kết quả của mình. Việc tổ chức thi thử cũng có thể giúp học sinh làm quen với tâm lý thi, cách thức phân tích đề thi. Nhưng phải có sự đồng thuận của phụ huynh. Quan điểm của chúng tôi là không nên tổ chức nhiều gây tâm lý căng thẳng, tốn kém” – ông Chuẩn nói.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)