Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi tăng cường vận dụng thực tiễn

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Việc đăng ký dự thi được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Đề thi sẽ tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn…

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến thời gian tổ chức như mọi năm, vào nửa đầu tháng 7. Bộ GD-ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022. Theo đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Hiện, Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội về một số nội dung mang tính kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi tăng cường vận dụng thực tiễn - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 bước vào học kỳ 2 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Chương cho biết, kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được từ việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, với gần 1 triệu thí sinh (đạt tỷ lệ 93,1%), tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí cho người dân, Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng là thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022 – 2023.

Riêng các thí sinh là người học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước; những người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển (thí sinh tự do), thực hiện đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT (nếu có) trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do sở GD-ĐT quy định.

"Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc tổ chức thi, đặc biệt là việc đăng ký dự thi trực tuyến đã mang lại rất nhiều lợi thế cho cả thí sinh, nhà trường và toàn xã hội", ông Chương khẳng định. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng dẫn chứng, thí sinh có thể tra cứu chính xác thông tin cá nhân nhờ văn bản rõ nét, chuẩn hóa. Kết quả kê khai của học sinh được lưu bằng bản điện tử với ngày, giờ để làm căn cứ đối chiếu khi cần, có thể truy xuất mọi lúc, mọi nơi. Học sinh có thể tự hỗ trợ, hướng dẫn lẫn nhau trong việc kê khai thông tin…

Đối với xã hội, việc tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến phù hợp với xu hướng chuyển đổi số; tiết kiệm, tận dụng được hạ tầng công nghệ thông tin; tiết kiệm chi phí cho xã hội cả về mặt thời gian và nguồn lực.

Tăng cường chất lượng đề thi

Một trong những vấn đề được thí sinh quan tâm nhất trong kỳ thi THPT là cách thức ra đề thi. Liên quan nội dung này, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương khẳng định: "Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022; đồng thời, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (các đề thi năm 2021, 2022 cũng đã xuất hiện các nội dung này – PV)".

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022; đồng thời, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng

Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, khách quan, theo ông Chương, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp.

Điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi. Điều này được thể hiện trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi. Cùng với các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT, đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.

Tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.

Thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi tăng cường vận dụng thực tiễn - Ảnh 3.

Tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi tốt nghiệp THPT. NGỌC THẮNG

Đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả. Trong đó, yêu cầu các hội đồng thi phổ biến đầy đủ, quán triệt kỹ quy chế cho thí sinh, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng điện thoại, không mang những vật dụng cấm vào phòng thi và tuân thủ quy định, hướng dẫn của hội đồng thi, nhất là để các vật dụng cá nhân, các tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại đúng địa điểm do hội đồng thi quy định; cảnh báo cho thí sinh trong phòng thi về những thiết bị công nghệ cao có thể được sử dụng để gian lận thi cử.

Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi. Trong đó, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các công việc theo quy định tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; chú trọng việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi (nhất là với các khâu trọng yếu như in sao đề thi, coi thi, chấm thi…); bố trí các điểm thi vừa thuận lợi cho thí sinh dự thi, vừa bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc; rà soát, bổ sung các điều kiện về kinh phí, trang thiết bị, vật tư đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 quy định thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: bút viết; bút chì; compa; tẩy; thước kẻ; thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; atlat địa lý VN đối với môn thi địa lý (quy định cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD-ĐT).
Với dự kiến điều chỉnh trên, Bộ GD-ĐT sẽ bãi bỏ quy định đã áp dụng liên tục nhiều năm qua là cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị khác hỗ trợ.
Theo dự thảo, thí sinh sẽ không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với bài thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi. Trong trường hợp này, thí sinh phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi.
Nếu thí sinh ra khỏi phòng thi sớm ở môn tự luận thì dự kiến sẽ vẫn phải lưu lại ở phòng chờ của khu vực thi trong thời gian còn lại của buổi thi.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)