Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thi tốt nghiệp THPT 2024: Những lời khuyên cho học sinh trước khi vào “cuộc chiến”

Tạp Chí Giáo Dục

Để có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sắp tới, các em học sinh lớp 12 cần chú ý đến tinh thần tự chủ khi ôn tập và có thái độ tự tin khi làm bài thi. 


Mt tiết học môn văn ca hc sinh lp 12 ti mt trưng THPT trên đa bàn TP.HCM (nh minh ha)

Cần tự chủ khi ôn tập 

Tại sao phải tự chủ khi ôn tập? Thứ nhất, liên quan đến việc hiện nay có rất nhiều tài liệu tham khảo trôi nổi trên thị trường sách in và mạng, trả lời báo chí mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết không có chủ trương biên soạn và phát hành sách tham khảo cho học sinh. Nội dung của kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nằm ở kiến thức chương trình lớp 12. Cho nên tài liệu chính vẫn là chương trình, sách giáo khoa lớp 12. Một lý do nữa mà học sinh cần phải bám sát chương trình, sách giáo khoa để ôn tập, là vì các kỳ thi gần đây có sự thay đổi lớn từ đơn môn thành liên môn theo các khối tự nhiên và xã hội. Vì vậy số lượng câu hỏi của từng môn sẽ giảm xuống, yêu cầu kiến thức cũng hướng đến những trọng tâm cơ bản. Do đó, học sinh cần ôn sát với sách giáo khoa. Để lường trước những bất lợi trong quá trình ôn tập, các em cần chú ý hai điểm sau đây:   

Một là, chú ý kỹ năng làm bài. Năm nào cũng thế, cứ đến giai đoạn nước rút của việc ôn thi là trên các trang mạng lại xuất hiện nhiều dạng đề thi “tiên đoán”, nhiều dạng đề mẫu của hầu hết các môn. Trong đó đáng chú ý nhất là môn văn, nhất là các vấn đề “nóng” của xã hội. Nếu các em không tỉnh táo, thiếu chủ động trong việc ôn tập, dễ nghe theo để rồi học ôn bị lệch và hậu quả là không tránh khỏi. Quan sát nhiều năm về thi cử, chúng tôi khẳng định rằng những đề thi “tiên đoán”, các đề mẫu ấy chỉ có tính tham khảo. Vì thế, học sinh ôn theo kiến thức được học ở nhà trường. Không nên xem các đề “tiên đoán” là chuẩn để học tủ, để tự giới hạn kiến thức. Điều quan trọng ở đây không phải là đề thi ra đề tài gì, kiến thức gì, phần nào, sự kiện gì ngoài xã hội, mà là ở kỹ năng, tư duy của người làm bài. Vì thế, dù đề thi như thế nào, nếu người thi có kỹ năng làm bài tốt cũng sẽ giải quyết được. Để ôn tập đúng hướng và làm bài có kết quả, học sinh cần thấy rõ hai mức độ yêu cầu của đề thi, là vừa hướng đến mục đích xét tốt nghiệp và vừa để phân loại học sinh xét tuyển vào ĐH. Cho nên học sinh vừa phải ôn sát với chương trình học để giải quyết yêu cầu thứ nhất, vừa phải tự học, rèn kỹ năng, học giải các kiến thức nâng cao để giải quyết yêu cầu thứ hai. Ngoài ra, các em cần nắm chắc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT.

Hai là, sử dụng tài liệu đúng cách. Đối với học sinh phổ thông, nếu kiến thức chỉ dừng lại ở bài giảng của giáo viên và sách giáo khoa mà không tự học, thiếu khám phá thêm tài liệu khác thì khó có thể giỏi được. Nhưng không phải mọi học sinh đều biết cách sử dụng, nhất là trong bối cảnh tài liệu tham khảo tràn lan như hiện nay. Để không rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang” do chọn nhầm tài liệu và dùng không đúng cách, học sinh cần lưu ý các điểm sau đây: Chọn sách do các nhà xuất bản có uy tín phát hành, chú ý tìm hiểu kỹ tên nhà xuất bản, tác giả, mục lục, năm xuất bản. Đọc trước nội dung và so sánh với nhiều cuốn khác nhau để chọn mua. Cách tốt nhất là nên nhờ những người có hiểu biết, có chuyên môn như anh chị là sinh viên, ba mẹ hoặc thầy cô tư vấn. Sách phải có tem, thuộc hệ thống nhà sách uy tín. Các em không nên sử dụng quá nhiều tài liệu cho một môn học, vì nếu không đủ tỉnh táo sẽ dễ dẫn đến nhầm lẫn. Cần nhớ, tài liệu chỉ là công cụ hỗ trợ, nâng cao thêm kiến thức trên cơ sở kiến thức nền ở chương trình sách giáo khoa và bài giảng của giáo viên. Vì thế nó chỉ có hiệu quả khi biết cách kết hợp hợp lý giữa chúng. Chẳng hạn, đối với các môn tự nhiên, sau khi nắm chắc nội dung và các phương pháp giải cơ bản, học sinh sử dụng thêm tài liệu bằng cách so sánh, đối chiếu để thấy sự khác biệt, cái mới từ tài liệu. Hoặc đối với các môn xã hội, tài liệu sẽ giúp cho người đọc có thêm các kỹ năng như xây dựng bố cục bài viết, văn phong, những phát hiện độc đáo về nghệ thuật, những quan điểm, chính kiến và cảm nhận mới mẻ của người viết. Chứ tuyệt nhiên không vì lệ thuộc quá vào tài liệu mà mất đi kiến thức nền của bài học. Đây là lỗi rất phổ biến của học sinh hiện nay trong việc học hành và thi cử. Cứ vào phòng thi là bị ám ảnh bởi sách tham khảo này, tài liệu nọ, mà không tự làm chủ được kiến thức. Vì thế bài làm chắp vá, thiếu sáng tạo cá nhân. Ngoài ra còn phải biết cách ghi nhớ và trích dẫn, vận dụng kiến thức từ tài liệu vào bài làm một cách hợp lý, hấp dẫn, thuyết phục và hiệu quả.

Tự tin bước vào phòng thi

Để giúp học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách tự tin và hiệu quả, chúng tôi khuyên các em những điều sau đây: Thứ nhất, ngay trước ngày thi không nên thức quá khuya để ôn bài, mà phải nghỉ ngơi, thư giãn. Trước khi đi ngủ nên hệ thống lại toàn bộ nội dung môn thi của ngày mai. Chuẩn bị vật dụng và giấy tờ cần thiết, cũng như kiểm tra phương tiện đi lại trước khi đi ngủ. Sáng hôm sau nên dậy sớm một chút để hệ thống lại bài ôn một lần nữa. Thứ hai, đến hội đồng thi sớm hơn giờ quy định khoảng 30 phút để tránh những bất trắc có thể xảy ra. Ăn mặc lịch sự và thoải mái. Chú ý việc ăn uống, có thể gây khó chịu trong thời gian làm bài. Thứ ba, vào phòng thi một cách tự tin. Chú ý đến nội quy phòng thi để tránh những vi phạm đáng tiếc. Khoảng thời gian ngồi chờ phát đề thi khá dài, học sinh nên tận dụng thời gian này hiệu quả như chép  những kiến thức cần thiết ra giấy nháp… Thứ tư, tô mã đề và số báo danh (môn trắc nghiệm) thật cẩn thận. Kiểm tra giấy thi và đề thi vì có thể in mờ, thiếu trang để xin đổi. Thứ năm, khi nhận đề thi chưa nên vội vàng làm ngay mà phải đọc kỹ hết đề và dành thời gian cho việc phân tích đề. Như đề có bao nhiêu phần, mỗi phần có bao nhiêu câu hỏi, mỗi câu hỏi có bao nhiêu vế; sự liên quan giữa các phần, các câu hỏi; phần nào dễ, phần nào khó… để có chiến lược làm bài hợp lý. Thứ sáu, lập dàn ý ra giấy nháp trước khi làm bài (môn tự luận). Khi viết dựa vào dàn ý và thêm bớt ý. Có ý tưởng tốt thì nên viết ra giấy nháp để khi cần sẽ dùng. Thứ bảy, trình bày bài làm khoa học, rõ ràng, sạch sẽ. Giữa các câu trả lời phải có khoảng cách an toàn để cần thiết có thể bổ sung ý trả lời và giám khảo chấm không bỏ sót. Nên ghi lại lời dẫn của câu hỏi. Thứ tám, theo dõi trục thời gian để phân chia các phần của bài làm hợp lý. Không ra khỏi phòng khi chưa hết giờ làm bài, dù cho bài làm đã thật tốt. Thứ chín, dành một khoảng thời gian cần thiết để đọc lại bài làm, kiểm tra và sửa chữa những sai sót, cũng như các thông tin trên giấy làm bài. Ra khỏi phòng thi khi đã hoàn tất các bước theo yêu cầu giám thị. Cuối cùng, chỉ quan tâm đến đáp án của môn thi ấy ngay sau khi thi xong, sau đó hãy biết quên môn ấy đi để tập trung cho môn thi tiếp theo.

Bài, ảnh: Trn Ngc Tun

Bình luận (0)