Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thi tốt nghiệp THPT căng thẳng là do tính cạnh tranh vào ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo lãnh đạo một số địa phương, dù Bộ GD-ĐT xác định mục tiêu chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT là xét tốt nghiệp, nhưng vì kết quả được sử dụng xét tuyển ĐH nên kỳ thi vẫn căng thẳng.

Vừa qua, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn là trưởng đoàn đã kiểm tra chấm thi tại Hòa Bình và Bắc Giang. Trong các buổi làm việc với ban chỉ đạo thi của 2 tỉnh này, một nội dung quan trọng mà hai bên trao đổi là làm sao để kỳ thi được tổ chức tốt hơn.

Giảm tải chương trình, xóa bệnh thành tích

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, nguyên nhân của sự căng thẳng trong kỳ thi là do áp lực chạy theo thành tích cao đè nặng lên vai phụ huynh, đặc biệt là ở các đô thị lớn. “Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo luật học tập suốt đời, nhưng nếu học tập suốt đời mà cứ áp lực thế này là không ổn. Vấn đề này có thể giải quyết được bắt đầu từ việc giảm tải chương trình giáo dục phổ thông, xóa việc chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục. Tuy nhiên, phải làm thế nào để bắt đầu được 2 việc này thì đó lại là một bài toán chúng ta nghĩ ra được nhưng chưa có lời giải”, ông Chương nhấn mạnh.

Thi tốt nghiệp THPT căng thẳng là do tính cạnh tranh vào ĐH - ảnh 1

Kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là một trong những căn cứ quan trọng để các trường đại học tuyển sinh. ĐẬU TIẾN ĐẠT

Bên cạnh đó, ông Chương cũng cho rằng để giúp địa phương trong việc chuẩn bị và thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm được tốt hơn, Bộ GD-ĐT nên tăng cường công tác kiểm tra. Đồng thời, nên duy trì việc trường ĐH đến giúp các địa phương tổ chức kỳ thi. Trước đây, giảng viên ĐH tham gia coi thi, sau đó thì rút đi, chỉ làm thanh tra giám sát. “Các thầy cô ở nơi khác về trông thi giúp cho việc tổ chức coi thi thuận lợi hơn, giúp đảm bảo tính khách quan cao nhất. Chính người địa phương khác đến coi thi làm cho kỳ thi ít căng thẳng hơn, do người sở tại thì sẽ dễ bị các mối quan hệ xã hội ngay tại địa phương chi phối”, ông Chương chia sẻ.

Có cạnh tranh sẽ có áp lực

Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, dù theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT trong những năm gần đây thì việc tham gia kỳ thi là để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT nhưng thực tế vẫn đảm nhiệm 2 chức năng vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển sinh ĐH. Những trường ĐH có tính cạnh tranh cao hàng đầu của cả nước đều dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Thậm chí, như Trường ĐH Y Hà Nội thì cho đến nay vẫn chưa có phương thức xét tuyển nào khác mà hầu như chỉ dùng kết quả kỳ thi này. Chính vì vậy, trong quá trình tổ chức kỳ thi, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Bắc Giang đã xác định yêu cầu về tính công bằng của kỳ thi là rất cao, việc lựa chọn con người để tham gia phục vụ kỳ thi được tiến hành rất kỹ càng.

Ở cả 2 tỉnh, ông Hoàng Minh Sơn đều khẳng định yếu tố con người là quan trọng nhất để đảm bảo kỳ thi được tổ chức tốt. Dù việc tập huấn thực hiện quy chế chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu, thanh tra kiểm tra nhiều đến mấy thì sai sót vẫn có thể xảy ra. Để đảm bảo các yêu cầu của kỳ thi, ngoài việc tuân thủ đầy đủ quy chế, có 3 điểm cần lưu ý đều liên quan tới yếu tố con người, đó là ý thức trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nghiệp vụ, có năng lực chuyên môn về làm thi.

Theo ông Sơn, mục tiêu của kỳ thi đã xác định rõ là xét tốt nghiệp THPT cho học sinh và làm căn cứ đánh giá việc dạy và học của nhà trường, của địa phương, của toàn ngành. Tuy nhiên, việc vẫn dùng kết quả này để làm căn cứ xét tuyển ĐH là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng cho kỳ thi. Chắc chắn trong nhiều năm nữa, kể cả sau này khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thì kết quả kỳ thi này vẫn là căn cứ quan trọng để các trường ĐH sử dụng để xét tuyển.

Thi tốt nghiệp THPT căng thẳng là do tính cạnh tranh vào ĐH - ảnh 2

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn rất căng thẳng, áp lực cho cả học sinh, giáo viên, ngành giáo dục. ĐỘC LẬP

Áp lực của kỳ thi chính là ở chỗ TS phải cạnh tranh để vào ĐH. Khi có cạnh tranh thì sẽ có áp lực, và sẽ vẫn căng thẳng. Khi có độ chênh giữa cung và cầu thì sẽ còn cạnh tranh. “Áp lực, căng thẳng là không bao giờ loại bỏ được, bởi nó logic với cuộc sống. Chỉ có điều là do công tác phân luồng làm chưa tốt, xã hội chúng ta chuộng bằng cấp nên phần lớn phụ huynh chỉ muốn con mình học ĐH. Quan điểm của chúng tôi là làm sao giảm được TS phải chịu căng thẳng. Nếu phân luồng tốt, đồng thời chỗ học ĐH nhiều lên, giúp cân bằng giữa cung và cầu, thì sẽ giảm căng thẳng. Áp lực chỉ dồn lại ở một TS có nhu cầu cạnh tranh vào trường tốp, ngành tốp trên”, ông Sơn nói.

Theo Quý Hiên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)