Khi ôn tập TS cần rèn luyện kỹ năng vẽ biểu đồ dựa trên các bài tập và các bảng số liệu trong sách giáo khoa. Ảnh: T.Vy
|
“Cần học theo chương, chủ đề, nắm vững cấu trúc đề thi…”, thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng bộ môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đã chia sẻ những kinh nghiệm giúp thí sinh (TS) ôn tập và làm bài thi tốt nghiệp THPT hiệu quả.
Ôn tập kỹ lưỡng
Muốn ôn tập đạt hiệu quả môn địa lý thì trước hết TS cần nắm vững cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT bộ môn này. Những năm gần đây, đề thi môn địa lý thường có nhiều câu hỏi nhỏ (khoảng 7, 8 câu) có liên quan tới nội dung nhiều bài học để tránh việc TS học tủ, học lệch. Do đó, trong quá trình ôn tập, các em nên lập kế hoạch cụ thể, học theo chương, chủ đề để làm tốt bài thi của mình. Về bài học cần nắm vững các phần kiến thức căn bản, các em có thể lập sơ đồ tổng quát dạng hình cây thư mục để nắm ý chính.
Bên cạnh đó, các em nên lập bảng ghi nhớ, so sánh giữa các đối tượng có cùng “dạng” như: Bảng ghi tên nhà máy thủy điện, tên sông và công suất nhà máy xếp theo thứ tự; bảng so sánh đối chiếu việc khai thác thủy điện giữa vùng núi trung du Bắc bộ với Tây Nguyên; so sánh cây công nghiệp giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ; việc khai thác rừng giữa Tây Nguyên và Bắc Trung bộ; khai thác thủy sản của Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ… TS nên soạn thảo những bảng ghi nhớ, so sánh bằng một tờ giấy để có thể mang theo và ôn tập mọi lúc mọi nơi vừa nhẹ nhàng vừa nhanh chóng.
Bên cạnh đó, để giảm bớt lượng kiến thức phải học, các em nên kết hợp với việc sử dụng Atlat địa lý. Khá nhiều bài học có kiến thức trong Atlat như bài 6, 7 Đất nước nhiều đồi núi – phần phân bố dân cư của bài 17, – bài 26, 27 phần công nghiệp, – bài 31 Thương mại, du lịch, chương các vùng kinh tế từ bài 32 đến 42 có thể phối hợp với Atlat. Lưu ý: TS phải giữ Atlat sạch sẽ, không tô màu, ghi chú để phù hợp với quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Trong cơ cấu bài thi tốt nghiệp THPT môn địa lý thường yêu cầu TS vẽ biểu đồ, phân tích bảng số liệu, nhận xét nên khi ôn tập các em cần rèn luyện kỹ năng vẽ biểu đồ dựa trên các bài tập và các bảng số liệu trong sách giáo khoa. Các em nên vẽ trên giấy thi và ghi rõ số trang, tên biểu đồ, có thể nhờ thầy cô bộ môn đóng góp và cho ý kiến về bài vẽ. Những TS vẽ nhiều lần khi vào phòng thi sẽ vẽ nhanh và chia đúng tỉ lệ.
Về việc sử dụng số liệu dẫn chứng:Các số liệu dẫn chứng chỉ cần nhớ những năm cuối, riêng các yếu tố đứng nhất TS cần phải nhớ. Ví dụ: Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà có công suất lớn nhất nước hiện nay là 1.920MW. Nhà máy thủy điện Sơn La đang xây sẽ có công suất lớn nhất khi xây xong là 2.400MW… Nhiều số liệu như dân số, sản lượng điện, than, dầu, lúa… đều có trong Atlat. TS nên lấy số liệu năm 2005 để cho phù hợp với sách giáo khoa. Như vậy nhờ Atlat, chúng ta không phải nhớ quá nhiều số liệu ngoài những con số đặc trưng như đã nói ở trên.
Trình bày bài thi khoa học
Trước khi làm bài TS nên đọc kỹ đề ít nhất 3 lần và gạch dưới những ý chính. Rất nhiều em đã không đọc kỹ đề nên bài thi dễ bị lạc đề hoặc viết thiếu ý. Sau khi đọc và hiểu đề, TS nên lập dàn bài tổng quát và làm theo đúng trình tự để bài làm đầy đủ không sót ý. TS nên chọn câu dễ, câu ngắn làm trước. Một số em học tốt môn địa lý có thói quen thích làm câu nhiều điểm, câu khó trước. Tuy nhiên, điều này rất nguy hiểm bởi những câu hỏi dạng này thường yêu cầu nhiều thời gian, đó là chưa kể việc TS bí bài, ngồi cắn bút suy nghĩ lâu làm ảnh hưởng tâm lý và khi không còn thời gian để làm những câu còn lại, ảnh hưởng đến chất lượng và điểm số bài thi.
Khi làm bài, TS cần chú ý cách trình bày bài thi gọn gàng, sạch sẽ. Nên xuống dòng sau mỗi ý, tránh tình trạng làm tràn lan không xuống hàng thậm chí không có dấu chấm phẩy, gây khó khăn cho giám khảo khi chấm bài. Việc xuống dòng giúp TS nhìn ra chỗ nào còn thiếu và cũng giúp giám khảo chấm bài dễ dàng hơn. Cũng không được viết tắt, không dùng các ký hiệu như mũi tên, vòng tròn, hoa thị… vừa gây sự khó hiểu cho người chấm, vừa bị coi là đánh dấu bài. Ngoài ra, TS nên ghi lại câu hỏi rõ ràng (câu I. 2 Tính mật độ…) để giám khảo biết mình làm câu nào, ý ra sao? Tránh trường hợp làm một câu nhưng thuộc hai đề khác nhau vì bài thi chỉ được chấm theo đề thi mà TS đó làm câu đầu tiên. Nếu rơi vào trường hợp này, TS sẽ bị thiếu ý và không được tính điểm ở câu đã bị “lấn” sang đề thứ 2. Những ý chính, ý quan trọng cần làm trước, ý phụ hay ít quan trọng hơn làm sau. Trước khi nộp bài, TS nên đọc lại bài thi để kiểm tra sai sót, nếu thấy sai chỉ cần gạch chéo một nét, tránh việc tô, xóa quá đậm. Trong trường hợp phát hiện bài thi còn thiếu ý, TS không nên viết chen vào câu bị thiếu vì nhiều khi chữ nhỏ quá hoặc các dòng chèn vào nhau san sát khiến giám khảo khó đọc và có thể bị mất điểm. Tốt nhất nên làm bổ sung ở bên dưới, nhớ ghi câu số mấy và ghi thêm chữ tiếp theo (VD: Câu 3 tiếp theo). Khi chấm đến phần này, giám khảo sẽ cho điểm bổ sung vào câu đó.
Ngọc Anh (ghi)
TS không được viết tắt, không dùng các ký hiệu như mũi tên, vòng tròn, hoa thị… vừa gây sự khó hiểu cho người chấm, vừa bị coi là đánh dấu bài. |
Bình luận (0)