Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thi tốt nghiệp THPT: Để đạt điểm cao môn văn

Tạp Chí Giáo Dục

Khi ôn tập môn ngữ văn, việc thực hành (tập viết thành văn) là cực kì quan trọng. Ảnh: T.Vy

Nhằm giúp học sinh lớp 12 có được một phương pháp ôn tập môn văn hiệu quả, cô Đinh Thị Mỹ Hạnh – Tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT Trần Khai Nguyên – đã chia sẻ những kinh nghiệm có tính chất dân gian (ngoài những phương pháp quen thuộc) để giúp các em ôn tập tốt môn này cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
“Có bột mới gột nên hồ”
Đối với môn ngữ văn, để làm được bài thi theo yêu cầu hiện nay, thí sinh (TS) không thể tự “chế” mà cần phải có lượng kiến thức cơ bản đủ để giải quyết các yêu cầu của đề. Kinh nghiệm cho thấy những học sinh nắm vững kiến thức trong chương trình học rất ít khi bị lúng túng trước đề thi khó. Với các câu hỏi giáo khoa và phần nghị luận văn học, nội dung ôn tập chủ yếu là các bài đọc – hiểu trong ngữ văn 12. Theo đó, TS cần ghi nhớ những kiến thức cơ bản của mỗi bài, đồng thời nên hệ thống hóa làm hai loại kiến thức và cách học bài có chút khác biệt: Với những kiến thức chung như tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề… TS cần học thuộc để có thể áp dụng cho bất cứ đề nào của bài. Với những kiến thức cụ thể (nội dung tác phẩm) cho từng đoạn ngữ liệu hoặc một số đề riêng biệt, TS cần ghi nhớ chính xác và chú ý những khả năng sử dụng khác nhau để vận dụng uyển chuyển.
Riêng với câu hỏi nghị luận xã hội, TS nên chuẩn bị kiến thức về một số khái niệm liên quan đến một số vấn đề tiêu biểu trong xã hội như tình bạn, tình yêu, lòng dũng cảm, tính trung thực… Việc đưa khái niệm vào bài thi giúp TS xác định và đi đúng yêu cầu của đề thi. Khi làm dạng đề này, TS cần đưa dẫn chứng tiêu biểu để bài làm của mình mang tính thuyết phục.
 “Trông mặt mà bắt hình dong”
Cả ba phần trong kết cấu một đề thi tốt nghiệp THPT môn văn đều ra theo hướng vận dụng kiến thức. Tuy nhiên, nếu hệ thống hóa theo thể loại, chủ đề hoặc cấu trúc đề, chúng ta vẫn có thể nhận thấy cách ra đề có những “mẫu” nhất định. Do vậy, trong quá trình ôn tập, để giảm lượng kiến thức cụ thể cần ghi nhớ, TS nên hệ thống hóa một số “mẫu” trả lời cho các thể loại hoặc vấn đề quen thuộc như trả lời câu hỏi về tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề; làm bài nghị luận xã hội bàn về tư tưởng, đạo lí hay nghị luận về đời sống; làm bài nghị luận văn học phân tích tác phẩm thơ, đoạn thơ hay phân tích tác phẩm truyện, tùy bút…; phân tích nhân vật; phân tích giá trị tác phẩm… Trên cơ sở đó, khi cầm đề thi tốt nghiệp, TS cần xác định đúng kiểu câu hỏi; kiểu đề bài để từ đó nhanh chóng xác lập hệ thống ý, cách lập luận phù hợp cho phần làm bài của mình và dễ đạt điểm cao.
“Trăm hay không bằng tay quen”
Khi ôn tập môn ngữ văn, việc thực hành là cực kì quan trọng. Bên cạnh những phương pháp học thuộc, ghi nhận kiến thức, TS nên chủ động thực hiện các bài thực hành, nhất là tập viết thành văn. Điều này sẽ giúp các em làm bài trôi chảy, tư duy mạch lạc và tích hợp được nhiều kiến thức cho quá trình làm bài thi sau này. Với các đề nghị luận văn học hoặc nghị luận xã hội, TS nên thực hành một số đề văn thường gặp vì đề thi tốt nghiệp THPT được soạn thảo trên nền kiến thức học hằng ngày của học sinh. Khi luyện tập, các em nên tập viết mở bài, kết bài, phần khái quát… cho thuần thục. Ngoài ra, các em nên tập viết những đoạn văn ngắn như viết một lời chuyển ý từ mở bài đến thân bài; một đoạn bình giảng ngắn cho một vài câu thơ hay về một phẩm chất của nhân vật; một đoạn văn sử dụng hiệu quả thao tác so sánh, bình luận, bác bỏ… Đề thi thường ít khi yêu cầu phân tích cả tác phẩm nên việc tập làm bài theo từng đoạn sẽ giúp TS đi sâu và hiểu rõ ý nghĩa nội dung, nghệ thuật của từng đoạn, đồng thời tránh được hiện tượng “cần cù bù thông minh” khi đề thi chỉ ra một đoạn trong một tác phẩm nhưng TS lại chăm chỉ “cày” hết cả bài.
Với các câu hỏi giáo khoa, việc thực hành cũng có ý nghĩa nhất định. TS nên tự hình dung các câu hỏi giáo khoa và tập trả lời bằng cách viết ra giấy nháp, hoặc tập ôn. Sau đó trao đổi với thầy cô, các bạn, tham khảo tài liệu để kiểm tra tính hợp  lí của câu trả lời, cách trình bày. Rồi điều chỉnh lại câu trả lời cho phù hợp nhất.
Ngọc Anh (ghi)
TS nên hệ thống hóa một số “mẫu” trả lời cho các thể loại hoặc vấn đề quen thuộc như trả lời câu hỏi về tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề; làm bài nghị luận xã hội bàn về tư tưởng, đạo lí hay nghị luận về đời sống; làm bài nghị luận văn học phân tích tác phẩm thơ, đoạn thơ hay phân tích tác phẩm truyện, tùy bút…    
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)