Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Thi tốt nghiệp THPT: Để không phạm quy

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh được thay đổi lựa chọn phần đề riêng, phải làm bài thi bằng một loại bút, một màu mực, tránh bị ảnh hưởng bởi tin đồn về lộ đề thi… Đó là những vấn đề mà Bộ GD-ĐT lưu ý.

Được thay đổi phần đề riêng
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Kiên, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cho rằng: Năm nay, quy định cho phép thí sinh (TS) được chọn một trong hai phần trong phần riêng của đề thi rất thuận lợi cho TS. Dù học ở chương trình nào, TS cũng có thể lựa chọn cho mình phần riêng thích hợp để bài thi đạt kết quả tốt nhất.
https://giaoduc.mvc.com.vn/wp-content/uploads/2024/06/thi-tot-nghiep-thpt-de-khong-pham-quy_1-11722746011.jpgThí sinh làm bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 tại Hội đồng thi trường Lê Hồng Phong TP.HCM – Ảnh: Đ.N.T
Trong quá trình làm bài, TS có thể thay đổi phần riêng của đề thi chứ không nhất thiết đã chọn phần nào rồi thì chỉ được làm phần đó. Tuy nhiên, phải hết sức lưu ý để tránh tình trạng người chấm hiểu lầm TS đó làm cả hai phần. Những bài thi nào làm cả hai phần (trong phần đề riêng) sẽ không được chấm phần này mà chỉ được chấm phần đề chung. 
Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT bao gồm 2 phần: Phần chung dành cho tất cả các TS. Phần riêng có 2 phần dành cho chương trình nâng cao và chương trình chuẩn (TS chọn 1 trong 2 phần để làm).
Đối với môn thi trắc nghiệm, khi muốn thay đổi lựa chọn trong phần đề riêng, TS chỉ cần tẩy sạch các câu trả lời cho phần đó rồi chuyển sang trả lời các câu ở phần mới của phiếu trả lời. Đối với môn thi tự luận, phần bài làm bỏ đi, TS dùng bút cùng màu mực với bài làm gạch ngang theo từng dòng kẻ đến hết phần cần bỏ. Tuyệt đối không dùng bút xóa.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, bài thi phải viết rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng com-pa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một loại bút, một thứ mực (trừ mực đỏ); phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách gì.
Không có chuyện lộ đề thi
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT cũng như các địa phương luôn thực hiện các biện pháp bảo mật một cách nghiêm túc, với sự phối hợp của lực lượng an ninh, đúng theo quy chế. Vì vậy, không thể có chuyện lộ đề thi. Về hướng ra đề, ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Để kiểm tra đúng kiến thức và sự hiểu biết của TS, ngay trong năm học, Bộ đã chỉ đạo việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng "mở", coi trọng khả năng vận dụng kiến thức, tránh yêu cầu học vẹt, nhớ nhiều kiến thức, sự kiện một cách máy móc.
Để khắc phục việc chấm "lỏng", chấm "chặt", đảm bảo công bằng trong chấm thi, ông Hiển cho biết Bộ đã có một số giải pháp đổi mới trong tổ chức chấm thi. Trong đó, tăng số lượng bài chấm chung của mỗi môn ít nhất 15 bài (năm trước là 10 bài). Mặt khác, Bộ GD-ĐT sẽ điều động thanh tra của sở thứ ba (không phải thanh tra của sở có bài, cũng không phải thanh tra của sở chấm bài) đến làm nhiệm vụ thanh tra việc chấm điểm ở các hội đồng chấm thi…
Tuệ Nguyễn / TNO

 

 

Bình luận (0)