Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi tốt nghiệp THPT: Đề thi không khó!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhận xét của nhiều thí sinh, đề Văn hay nhưng hơi dài và… bất ngờ. Đề Lý cũng khá… dễ thở.
Môn Văn: Bất ngờ với câu 1
Vừa hết 2/3 thời gian làm bài, nhiều học sinh ở Hội đồng thi Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) đã xin nộp bài và ngồi chờ hết giờ. Theo quan sát, trật tự và kỉ luật thi của Hội đồng thi được thực hiện nghiêm túc ngay từ vòng ngoài. Ngoài hành lang, cặp sách của học sinh được để gọn gàng theo đúng quy chế. Không có tình trạng để cặp sách trên bục giảng.

Niềm vui của các sĩ tử sau buổi thi môn Văn. Ảnh: Chí cường

Với nụ cười tươi trên môi, Thanh Thảo, học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu cho biết, do thi ban D nên em làm bài thi môn Văn khá tốt. Đề có khoảng 30% câu hỏi giúp đánh giá học sinh có học lực khá hơn. Tuy nhiên, ở câu 1, em thấy khá bất ngờ khi đề thi ra câu hỏi liên quan đến tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu. Thảo cho biết, bài này đã khá lâu không được ra trong các đề thi nên em và một số bạn khác ôn tập chưa được kỹ. Còn ở câu 2, với câu hỏi: "Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình. Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên", Thảo đánh giá, câu này giúp học sinh có thể phát huy tính sáng tạo, không gò bó với các bài đọc từ sách giáo khoa. 
Bùi Lê Hoàng Vũ (Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) cũng cho biết, em làm bài trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, viết "nhòe" hai tờ giấy thi. Là học sinh Ban Tự nhiên nhưng em thấy đề thi không khó lắm. Duy chỉ có câu 1 hơi "hóc" và "lệch tủ" vì em không ngờ bài này sẽ được ra trong đề thi. Mặc dù vậy, em vẫn tự tin mình làm bài không đến nỗi nào.
Tại TPHCM, nhiều học sinh cũng có đánh giá tương tự. "Em và các bạn cùng trường Trần Khai Nguyên đều vượt qua môn Văn dễ dàng", em Hoàng Phi Hùng, thí sinh thi tại Hội đồng thi trường Lê Hồng Phong cho biết.
 Môn Lý: Không khó!
Buổi chiều, đề thi môn Vật lý không làm khó các sĩ tử. Tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội), hầu hết các em đều ra khỏi phòng thi với vẻ mặt phấn khởi. Nhiều em cho biết, mình làm xong bài trắc nghiệm trơn tru. Các câu hỏi của đề ra khá cơ bản, trải dài trong chương trình lớp 12. Học sinh có học lực trung bình cũng phải làm được 60 – 70%. Tuy nhiên, thời gian làm bài khá ngắn nên nếu suy nghĩ chậm, đắn đo nhiều, học sinh có thể không kịp giờ.
Hồ Văn Minh (Trường THPT Nguyễn Trãi) hồ hởi: "Chỉ có ai không học mới không làm được bài. Chứ đề thi trong chương trình lớp 12, không khó, không lắt léo, không đánh đố. Các môn sau mà được như ngày hôm nay thì dễ thở quá. Em tự tin làm được khoảng 99%”.
T.Linh (Trường THPT Phạm Hồng Thái) vừa ra khỏi cổng trường đã phấn khởi reo lên với người nhà: "Ngon rồi, ngon rồi". Em cho biết, mình làm sai khoảng 3 câu nhỏ, "chắc được khoảng 9 điểm".
Cũng khá vui vẻ, Hồng Nhung (Trường THPT Nguyễn Trãi) chia sẻ, các bạn trong phòngthi của em cũng đều hoàn thành bài làm sớm hơn thời gian quy định. Nếu chấm khá khắt khe thì em làm bài chắc được khoảng 70%.  Nhưng em tin, đề thi tốt nghiệp THPT dành cho cả học sinh có lực học bình thường đạt khoảng 5 điểm nên em cho rằng bài làm của mình không thấp điểm. 

"Đề Văn không quá khó, học sinh hoàn toàn có thể vượt qua, thậm chí sẽ có nhiều điểm khá bởi đề thi bám chắc kiến thức của chương trình và phạm vi ôn tập. Câu 1 gợi về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, học sinh sẽ làm được câu này không khó khăn. Câu 2 rất phù hợp với các em vừa bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nhưng về nghị luận nên nhiều em sẽ cảm thấy lúng túng. Ở câu thứ 3 (5 điểm), phần mà học sinh tập trung ôn luyện nhiều nhất, năm nay đã được dự đoán tương đối trúng" bằng phương pháp loại trừ. Đoạn thơ trong bài "Tây Tiến" được đa số các em lựa chọn, nên nhiều em đã kháo nhau dẫn đến hiểu nhầm là "lộ" đề". 
Cô Phạm Thị Thu
Giáo viên Văn, Trường THPT Kim Liên, Hà Nội
"Đề Lý ở mức độ khó vừa phải, khá hay và có sự phân loại thí sinh. Chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là các em có thể đạt từ 5-7 điểm. Phần lý thuyết dễ hiểu, còn bài tập cũng không có nhiều câu đòi hỏi phải mất thời gian cho việc tính toán. Tuy nhiên, đối với các học sinh kiến thức chưa chắc, hoặc tâm lý vội vàng sẽ dễ bị nhầm lẫn bởi đây là môn thi trắc nghiệm, đòi hỏi có sự chính xác trong việc lựa chọn đáp án".  
Thầy Trần Mạnh Hùng
Giáo viên Vật lý, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh
Theo Hà Mỹ – Thanh Hằng
 (GiadinhNet )

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)