Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thi tốt nghiệp THPT: Đề thi phải tính đến học sinh bị ảnh hưởng dịch bệnh 2 năm liền

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT được tiến hành đúng tiến độ. Trong đó, nội dung đề thi phải phù hợp thực tiễn với việc dạy và học.
Học sinh lớp 12 năm nay bị ảnh hưởng việc học do dịch Covid-19 từ học kỳ 2 lớp 11 năm ngoái 	 /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 12 năm nay bị ảnh hưởng việc học do dịch Covid-19 từ học kỳ 2 lớp 11 năm ngoái. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Dự kiến công bố đề thi tham khảo trong tháng 3
Dự thảo quy chế thi, văn bản hướng dẫn đã được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến rộng rãi và tiếp tục được hoàn thiện. Dự kiến thời gian tập huấn quy chế, hướng dẫn thi sẽ được thực hiện trước ngày 1.4. Việc xây dựng ma trận đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi tham khảo được thực hiện theo đúng kế hoạch. Hiện nay, đề thi tham khảo đang được rà soát để công bố trong tháng 3.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp mới đây về chuẩn bị cho kỳ thi này, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh từ khóa “ổn định”, đồng thời yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát thật kỹ và dự báo các tình huống có thể xảy ra để chủ động phương án, đảm bảo kỳ thi THPT diễn ra an toàn, trung thực. Đặc biệt, phải bảo đảm đúng mục đích là đánh giá được chất lượng đầu ra của giáo dục phổ thông, và là căn cứ quan trọng để sử dụng cho nhiều mục đích khác.
Đề thi sát với việc dạy học trong điều kiện dịch bệnh
Về việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi cho đề thi tốt nghiệp THPT, ông Nhạ yêu cầu câu hỏi thi phải bảo đảm đúng mục đích là đánh giá được chất lượng của giáo dục phổ thông. Cấu trúc đề thi giữ ổn định để thuận lợi cho việc dạy học, ôn tập của giáo viên, học sinh, trong đó chú trọng tới chất lượng, độ tin cậy của đề thi để phân loại học sinh.
Những điểm mới dự kiến trong kỳ thi THPT
Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15 ngày 26.5.2020 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định về cơ bản, kỳ thi THPT năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2020. Những thay đổi chỉ mang tính kỹ thuật nhằm quy định chặt chẽ hơn các khâu trong kỳ thi.
Về chấm thi, dự thảo sửa đổi như sau: Trưởng môn chấm thi tổ chức quán triệt quy chế thi, thảo luận đáp án, hướng dẫn cho toàn bộ tổ trưởng chấm thi, cán bộ chấm thi và chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận. Đối với những hội đồng thi có từ 30.000 thí sinh (TS) trở lên, trưởng môn chấm thi có thể triển khai theo từng tổ hoặc nhóm tổ chấm thi. Sau đó, tổ chức chấm thi theo quy trình chấm 2 vòng độc lập tại 2 phòng chấm thi riêng biệt.
Cán bộ chấm thi lần thứ hai ghi điểm chấm trực tiếp vào bài làm của TS (điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bên trái bài thi ngay cạnh ý được chấm) và vào phiếu chấm.
Quy định về cộng điểm khuyến khích được sửa đổi, bổ sung như sau: Đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi thí nghiệm thực hành môn vật lý, hóa học, sinh học; thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; cuộc thi khoa học kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên, tổ chức ở cấp THPT…

“Học sinh thi THPT năm nay không chỉ chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh của năm nay, mà còn chịu ảnh hưởng từ năm học lớp 11. Bởi vậy, nội dung đề thi phải gắn rất sát với hoạt động dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời gắn với chuẩn đầu ra chương trình phổ thông”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn coi thi, chấm thi, thanh tra và chuẩn bị hệ thống phần mềm phục vụ cho thi và tuyển sinh cũng được người đứng đầu ngành GD-ĐT lưu ý tại cuộc họp, với tinh thần phải phát huy những kết quả tích cực, khắc phục một số điểm còn hạn chế từ những năm trước; đảm bảo chất lượng của công tác tập huấn cũng như hiệu quả, tính bảo mật của hệ thống phần mềm phục vụ cho thi, tuyển sinh.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)